'Cái khó bó cái khôn' - Hình 1

Cần tạo thuận lợi cho DN (Ảnh minh họa)

Bà Hải Yến - Công ty Luật quốc tế Thiên Việt: Cục Sở hữu trí tuệ chậm trễ trong việc xử lý đơn, thẩm định nội dung khiến số đơn tồn đọng rất nhiều. Lý do chậm trễ, thường là “số lượng đơn quá nhiều so với số lượng nhân sự xử lý”; “để đảm bảo chất lượng của quá trình này, cần thời gian”...

Ông Đoàn Thanh Hòa - Công ty CP Karofi Việt Nam: Luôn đặt mục tiêu phát triển sản phẩm là số một, vì vậy, mỗi năm, Karofi tự mình cải tiến, nâng cấp sản phẩm 2 lần. Khi mang các sản phẩm này đi đăng ký, phải đợi tới 2 năm mới nhận được bằng sáng chế - khoảng thời gian khá dài. Trong khi đó, 3 - 4 tháng sau khi DN nộp đơn, ngoài thị trường đã có các sản phẩm “nhái” y chang sản phẩm của Karofi! Khi nhận được bằng sáng chế, giai đoạn vòng đời của sản phẩm đã hết, ngành đã chuyển sang một mức thiết kế cao hơn nữa nên tấm bằng dường như không còn giá trị. Tôi hy vọng, thời gian này được rút ngắn hơn, có thể rút ngắn một nửa!...

Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ (Cục Sở hữu trí tuệ) chia sẻ: “Thực tế, tồn tại một số trường hợp không đáp ứng được yêu cầu về thời gian. Nhìn tổng thể, thời hạn xác nhận nhãn hiệu, DN chưa hiểu biết rõ. Hàng năm, chúng tôi tổ chức nhiều hội thảo, chưa kể có rất nhiều dự án tuyên truyền phổ biến pháp luật về quy trình như đơn nhãn hiệu.

Kể từ ngày nộp đơn nhãn hiệu, trong thời hạn 1 tháng, Cục phải thẩm định hình thức đơn. Riêng khâu này, rất ít khi bị chậm. Còn những trường hợp hơn 1 tháng là do đơn còn thiếu sót, khai sai... Sau đó, Cục có 2 tháng chuẩn bị và đăng thông báo, 9 tháng để công bố cho mọi người biết. Đến tháng thứ 13, mới biết có được cấp bằng hay không và các thủ tục hành chính đến với người nộp đơn nhanh nhất cũng phải tháng thứ 14 để biết đơn có được cấp bằng hay không. Như vậy, nhanh nhất 1,5 năm, thường là 18 tháng theo đúng pháp luật quy định.

Tuy nhiên, thời gian qua, có một số trường hợp quá tải do số lượng đơn tăng đột biến. Trong khi đó, thông thường, một thẩm định viên được tuyển vào phải sau 3 năm mới đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, thời gian lên khoảng 18 - 20 tháng, còn có những đơn 2 năm thì phải có sự trao đổi giữa các thẩm định viên, chủ sở hữu (nhiều trường hợp, ý kiến qua lại phải mất 6 tháng).

Về đơn sáng chế, thời gian còn dài hơn rất nhiều. Khi nộp đơn vào Cục, đầu tiên phải có yêu cầu công bố sớm và thẩm định nội dung ngay thì thời gian vào khoảng 2 năm. Nếu không, Cục sẽ để nguyên và sau 36 tháng mới công bố (có luật sư còn quy định thời gian đó nên để 72 tháng). Nhằm rút ngắn thời hạn xử lý đơn, chúng tôi đang có kế hoạch trình Chính phủ tăng cường cơ sở dữ liệu, đào tạo thêm các thẩm định viên và dùng công nghệ thông tin với những phần mềm tiên tiến”.

“Việt Nam đầu tư không ít cho khoa học và công nghệ, nhưng ở nhiều lĩnh vực khác nhau và sở hữu trí tuệ chỉ là một phần. Chúng tôi đang tập trung đầu tư khoa học và công nghệ vào hoạt động nhằm rút ngắn thời gian và tạo thuận lợi cho DN”, ông Bình cho biết.

Hà Uyên