Bốn tháng đầu năm nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh có nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2024 cũng như điều chuyển nguồn vốn 2023 sang năm 2024; thành lập tổ công tác đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức họp giao ban xây dựng cơ bản với các sở, ngành, UBND các địa phương và các chủ đầu tư để đánh giá tiến độ triển khai, kịp thời đưa ra các giải pháp và cá thể hóa trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị có liên quan trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án.
Đồng thời, tổ chức họp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong cung cấp nguồn vật liệu san lấp (cát, đất). Lãnh đạo tỉnh cũng trực tiếp làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, chỉ đạo giải quyết khó khăn vướng mắc đến tiến độ giải ngân các dự án do Ban làm chủ đầu tư, nhất là vướng mắc liên quan đến thủ tục khai thác, cung cấp đất phục vụ thi công dự án Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều (đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338) - Giai đoạn 1.
Tuy vậy, đến hết tháng 4/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 mới đạt trên 1.600 tỷ đồng, đạt 10,9% kế hoạch năm và đạt 11,2% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao đầu năm (trên 14.280 tỷ đồng), thấp hơn so với cùng kỳ 2022 (12,1%). 12/23 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân toàn tỉnh (10,9%), điển hình: Trường Đại học Hạ Long 66,9%, Ban Quản lý Dự án đầu tư các công trình dân dụng và công nghiệp 33,5%; huyện Tiên Yên 28,2%... Còn lại có 11 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân toàn tỉnh.
Tính theo cơ cấu nguồn vốn, hiện tỷ lệ giải ngân vốn Trung ương đạt 22,8% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ 2023 (23,8%); ngân sách tỉnh giải ngân đạt 10,6% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ (9,6%); ngân sách huyện giải ngân đạt đạt 10,3% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ 2023 (15%).
Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT, nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp là do công tác GPMB một số dự án còn chậm so với tiến độ đề ra; công tác chuẩn bị đầu tư còn chậm; số dư tạm ứng chuyển sang năm 2024 tương đối lớn (cả về tỷ trọng và giá trị tuyệt đối); thiếu nguồn vật liệu san lấp; công tác tổ chức triển khai thực hiện, phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc giữa các chủ đầu tư với các sở, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ. Cùng với đó, năng lực một số cán bộ thực thi nhiệm vụ trong một số lĩnh vực về quản lý dự án, pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, ngân sách nhà nước còn hạn chế, dẫn đến cần nhiều thời gian để nghiên cứu, xử lý, lấy ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị khác, ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, tiến độ triển khai thực hiện dự án.
Ông Phạm Hồng Biên, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết: Năm 2024, vốn ngân sách cấp tỉnh có 8 dự án khởi công mới, với tổng kế hoạch vốn đã bố trí 1.700 tỷ đồng, chiếm 30% kế hoạch vốn ngân sách tỉnh. Đến nay, mới giải ngân được 21,3 tỷ đồng, đạt 1,3% kế hoạch. Hiện mới có 7/8 dự án đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đang tổ chức triển khai các bước tiếp theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự kiến trong quý II này, mới khởi công được. Còn dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342, đoạn thuộc địa phận TP. Hạ Long sẽ được khởi công trong tháng 9/2024.
Nếu tính cả kế hoạch vốn kéo dài đã được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp chuyên đề vừa qua, tổng nguồn vốn phải giải ngân trong năm 2024 của tỉnh là trên 16.300 tỷ đồng. So với tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 4/2024 (trên 1.600 tỷ đồng), thì số còn lại phải giải ngân trong năm 2024 (bao gồm cả vốn kéo dài) là trên 14.700 tỷ đồng.
Bình quân 9 tháng còn lại sẽ phải giải ngân trên 1.630 tỷ đồng/tháng. Mặt khác, số dư tạm ứng từ các năm trước chuyển sang năm 2024 trên 5.820 tỷ đồng, đây là thách thức rất lớn đối với các chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách và UBND các cấp của tỉnh Quảng Ninh.
Trần Trang (t/h)