Nhân viên Cửa hàng nông sản sạch chi nhánh đường Giải Phóng giới thiệu sản phẩm khuyến mại trong dịp mua sắm cuối năm tới khách hàng.

Khuyến mại cuối năm là một giải pháp cộng sinh hoàn hảo mang đến lợi ích cả cho người bán và người mua bằng cách tạo ra những chương trình, hình thức khuyến khích hấp dẫn (giảm giá, tặng quà khách hàng...) kích cầu mua sắm.

Cuối năm cũng là thời điểm các doanh nghiệp có thể dọn kho, thanh lý hàng tồn triệt để chỉ với mục tiêu đạt doanh thu bằng với giá vốn, vừa tận thu vừa xây dựng hình ảnh thương hiệu gần gũi, thân thiện với khách hàng. Về phía người tiêu dùng mua sắm thời điểm này để có cơ hội sở hữu và trải nghiệm những món hàng chất lượng cao cấp, hoặc đơn giản hơn là tích trữ những món hàng nhu yếu phẩm với mức giá phải chăng, tiết kiệm.

Do vậy, vào tháng cuối năm, cận tết là trên các khu phố có hoạt động kinh doanh buôn bán, cửa hiệu... đều bắt gặp những băng rôn, biển quảng cáo giảm giá bắt mắt với các mức “sale” từ 30-70%, “Mua một tặng một”, “Mua hai tặng một”...

Không chỉ trên thị trường trực tiếp, trên thị trường trực tuyến hoạt động khuyến mại cũng rất mạnh mẽ sôi động  với những mức giảm kịch sàn... Không phủ nhận nhiều chương trình khuyến mại thực sự hấp dẫn đã thu hút lượng khách hàng khá đông và mang đến cho khách hàng nhiều quyền lợi thiết thực, để lại ấn tượng tốt và tất nhiên sau đó sẽ là sự gắn bó dài lâu của khách hàng với thương hiệu.

Tuy nhiên cũng có không ít khách hàng chưng hửng, bực bội vì “dính bẫy” khuyến mại, giá không rẻ, thậm chí mua phải hàng fake. Anh Phan Hoàng Vinh ở phường Trường Thi (thành phố Nam Định) cho biết: gia đình có nhu cầu mua sắm một số đồ điện máy nên anh đã tới một cửa hàng trên đường Đông A để tìm mua.

Vào đến nơi anh không thấy hứng thú bởi hầu hết hàng khuyến mại đều là hàng đã “lỗi mốt”. Được nhân viên giới thiệu một chiếc tủ lạnh có ngày sản xuất gần nhất và có giá giảm tới 30% so lúc trước nhưng anh nhanh chóng phát hiện ra lỗi ở phần cơ do quá trình vận chuyển, bảo quản sản phẩm không tốt và đã được gia cố lại, nếu không phải là người có hiểu biết về điện lạnh sẽ không thể phát hiện ra. Anh cũng phải về không sau khi mất cả một buổi chiều cuối năm bận rộn.

Chị Thúy Hằng và nhóm bạn cùng cơ quan rủ nhau đi mua sắm giày, túi sách khi nghe tin khuyến mại giảm giá đến 50% tại một cửa hàng trên đường Hàng Tiện (thành phố Nam Định). Chị thích 1 đôi giày có giá hơn 1 triệu đồng sau khi đã được giảm. Tuy nhiên vì đã tham khảo giá từ trước đó nên chị Hằng nhanh chóng nhận ra mức giá này chỉ giảm chưa đến 10% so với giá niêm yết trước đây chứ không phải 50% như quảng cáo.

Chị quan sát khá nhiều khách hàng thiếu kinh nghiệm “chọn nhanh, mua nhanh” vì cửa hàng đông khách, nhân viên ai cũng vội vã, tất bật phục vụ khách hàng. Thêm nữa cửa hàng quy định “không đổi, trả với hàng giảm giá” nên nhiều khách hàng mua mang về nhà mới nhận ra khuyết điểm của sản phẩm, hoặc giá không hời như quảng cáo nhưng đành chịu.

Người có kinh nghiệm săn sale sẽ hiểu được nhiều cửa hàng đã tự nâng giá sản phẩm lên để rồi đưa mức giảm giá “chót vót” để đánh vào tâm lý ham rẻ nhằm thu hút khách hàng(!!!).

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính trước ma trận hàng khuyến mại, các cơ quan chức năng đang nỗ lực tuyên truyền quy định về hoạt động khuyến mại cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Công khai quy trình đăng ký, việc tổ chức các hoạt động khuyến mại cũng như bố trí nhân lực tiếp nhận hồ sơ thông báo, đăng ký hoạt động khuyến mại.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thực hiện khuyến mại sai quy định về thủ tục đăng ký, mức độ, mặt hàng, thời gian khuyến mại và đặc biệt là lợi dụng khuyến mại để thực hiện các hành vi gian lận thương mại, bán hàng kém chất lượng trục lợi người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về hoạt động khuyến mại, như: Công khai các thông tin về tên gọi, địa bàn hoạt động, thời gian khuyến mại, ngày bắt đầu, ngày kết thúc và số lượng quà tặng, khuyến mại… và phải được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về phía người tiêu dùng, trước khi mua hàng khuyến mại, dù trực tiếp hay qua mạng xã hội, cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin về chương trình khuyến mại, doanh nghiệp và sản phẩm. Đặc biệt, khi phát hiện dấu hiệu gian dối hoặc quyền lợi của mình bị xâm phạm cần chủ động thông báo đến Hội Bảo vệ người tiêu dùng địa phương (hotline của lực lượng Quản lý thị trường), các cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết yêu cầu bồi thường các thiệt hại.

Với sự phát triển của công nghệ hiện đại và sự phổ biến của mạng internet, người tiêu dùng rất dễ dàng tìm hiểu thông tin về sản phẩm trước khi quyết định lựa chọn mua, tránh trường hợp ham rẻ mua về không sử dụng được, “bỏ thì thương mà vương thì tội”.

Theo Báo Nam Định