(Ảnh minh họa)
Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện theo Nghị quyết 51 thay vì Nghị quyết 88 của Quốc hội như trước đây.
Theo Nghị quyết 51: "Thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, đảm bảo tuần tự trong từng cấp học, chậm nhất từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp đầu cấp của cấp tiểu học, từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học phổ thông".
Việc lùi thời gian thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa đối với lớp 1 từ năm học 2020 - 2021 thay vì 2019 - 2020 như dự kiến được Bộ GD&ĐT quyết định vào cuối tháng 9/2018.
Theo lý giải của Bộ GD&ĐT, trước mắt, vẫn còn hàng loạt công việc tiếp theo phải thực hiện như thông báo để các tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký viết sách giáo khoa; nghiên cứu chương trình để biên soạn sách; thẩm định, phê duyệt rồi mới phát hành sách giáo khoa.
Sau đó, các nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh tìm hiểu, dạy học thử nghiệm sách giáo khoa để có thể lựa chọn bộ sách phù hợp nhất.
Trước đó, quá trình thực nghiệm chương trình mới được tổ chức trong 1 tháng tại 6 tỉnh, TP thuộc 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Tại mỗi địa phương sẽ có 3 trường tiểu học, 3 trường THCS và 3 trường THPT đại diện cho các vùng thuận lợi và khó khăn.
Hằng Vương (t/h)