Đồng thời, Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức phổ biến tới các tiểu thương - thực hiện nghiêm những quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuât xứ hàng hóa…

Nâng cao ý thức của thương nhân về ATTP

Đại diện Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, những năm qua, công ty luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm (ATTP). Việc này, đã góp phần phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về ATTP tới người kinh doanh để hiểu và thực hiện đúng pháp luật về ATTP.

Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đang là nơi cung ứng hàng đầu về các mặt hàng nông sản. Ảnh: KT
Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức - là nơi cung ứng hàng đầu về các mặt hàng nông sản tại TP. HCM (Ảnh KT)

Đồng thời, Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức thông tin kịp thời cho người kinh doanh về đảm bảo ATTP, góp phần nâng cao ý thức, chuyển biến nhận thức của người kinh doanh, chế biến thực phẩm. Qua đó, nhiều điểm kinh doanh đã được cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo đúng quy định.

Công tác ATTP được công ty đặc biệt quan tâm, vì đây là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, được người tiêu dùng và các cơ quan ban ngành hết sức quan tâm. Công ty vận động tuyên truyền thường xuyên trên loa phát thanh, nhắc nhở thương nhân thực hiện nghiêm túc các quy định về ATTP trong kinh doanh; treo các băng rôn khẩu hiệu về thực hiện ATTP xung quanh các nhà lồng chợ.

Ngoài ra, qua các năm, công ty đã tổ chức mời thương nhân họp nhằm tuyên truyền giáo dục, trao đổi một số kiến thức, cũng như các quy định xử phạt của Nhà nước có liên quan đến vấn đề ATTP.

Theo thống kê, lượng hàng hóa nhập vào năm 2023 lên đến gần 985.000 tấn (tăng hơn 64.000 tấn so với năm 2022). Ảnh KT
Theo thống kê, năm 2023, lượng hàng hóa nhập vào Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức lên đến gần 985.000 tấn, tăng hơn 64.000 tấn so 2022 (Ảnh KT)

Giám đốc Kinh doanh - Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Nguyễn Bình Phương cho biết:

"Không chỉ trong “Tháng an toàn thực phẩm”, mà công tác đảm bảo ATTP luôn được công ty đặc biệt quan tâm. Bởi vì, vấn đề này có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, được người tiêu dùng và các cơ quan ban ngành hết sức quan tâm.

Công ty vận động tuyên truyền thường xuyên trên loa phát thanh, nhắc nhở thương nhân thực hiện nghiêm túc các quy định về ATTP trong kinh doanh; treo băng rôn, khẩu hiệu về thực hiện ATTP, xung quanh các nhà lồng chợ".

Cũng theo ông Phương, những năm trở lại đây, Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đã nhiều lần tổ chức mời thương nhân trao đổi kiến thức về các quy định của Nhà nước, có liên quan đến vấn đề ATTP; qua đó, tuyên truyền, vận động, kiểm tra, nhắc nhở thương nhân thực hiện công tác ATTP, ghi chép sổ và minh bạch về xuất xứ hàng hóa, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

"Qua từng đợt sinh hoạt, các thương nhân nâng cao ý thức, hiểu rõ tác hại của việc sử dụng các loại hóa chất độc hại, chất phụ gia, chất bảo quản, chất tẩy trắng vào thực phẩm; nâng cao trách nhiệm của người kinh doanh trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng… Các thương nhân đã ký cam kết không sử dụng hóa chất, chất phụ gia, chất tẩy trắng, chất bảo quản độc hại, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng và sẽ chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật, nếu vi phạm", ông Phương nhấn mạnh.

Tăng cường kiểm soát, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc nông sản

Đại diện Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp với Đội 2 (Sở ATTP TP. HCM) thực hiện kiểm soát công tác ATTP tại chợ; đồng thời, tuyên truyền, vận động, kiểm tra, nhắc nhở thương nhân thực hiện công tác ATTP, ghi chép sổ và minh bạch về xuất xứ hàng hóa, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Đến nay, đa số thương nhân đã chấp hành.

Công ty đang triển khai áp dụng phần mềm trong công tác quản lý truy xuất nguồn hàng hóa nhập chợ. Ảnh: Kim Cương
Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức triển khai áp dụng phần mềm trong quản lý truy xuất nguồn hàng hóa nhập chợ (Ảnh: Kim Cương)

Về quản lý hàng hóa nhập chợ, công ty xây dựng quy trình thông qua việc thương lái, người cung ứng hàng hóa, khi đến giao dịch phải đảm bảo thực hiện đúng việc đăng ký, kê khai xuất xứ hàng hóa, đăng ký số lượng, nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của từng vùng, miền để quản lý xuất xứ nguồn gốc sản phẩm.

Thông qua chương trình kết nối cung - cầu giữa TP. HCM và các tỉnh, đã tạo điều kiện cho thương nhân ký kết trực tiếp với người sản xuất, để đưa sản phẩm về chợ từ các tỉnh Lâm Đồng, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Đắc Nông, Đắc Lắc..., qua đó các sản phẩm ngày càng được quản lý tốt, chất lượng được nâng lên, mẫu mã đẹp hơn.

Ông Nguyễn Bình Phương nhấn mạnh:

"Công ty vẫn đang kiểm soát và quản lý nguồn hàng nhập chợ, theo quy trình đăng ký xuống hàng. Tuy nhiên, để nâng cao tính hiệu quả và thuận tiện hơn trong công tác truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đơn vị triển khai áp dụng phần mềm trong công tác quản lý - truy xuất nguồn hàng hóa nhập chợ khi đăng ký bốc xếp xuống hàng phân phối vào các ô vựa tại chợ.

Đối với tiểu thương, phải thực hiện ghi chép nguồn gốc hàng hóa vào sổ, niêm yết xuất xứ đối với hàng ngoại nhập, lưu trữ chứng từ hàng ngoại nhập để phục vụ công tác kiểm tra…".

Kiến nghị nhiều vấn đề nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh

Để đảm bảo hoạt động kinh doanh của chợ được ổn định, phía Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết:

"Đã kiến nghị tới cơ quan chức năng hỗ trợ giải tỏa các khu vực kinh doanh tự phát nông sản thực phẩm, xung quanh khu vực chợ, theo Công văn số 3265/UBND-KT ngày 4/10/2021 của UBND TP. HCM, Công văn số 2398/SCT-QLTM ngày 13/5/2021 của Sở Công Thương, Công văn số 6244/UBND-KT ngày 7/10/2021 của UBND TP. Thủ Đức;

Công văn số 2964/UBND ngày 21/7/2023, Công văn số 466/KH-TCT ngày 7/3/2024 của Tổ Công tác giải quyết các vấn đề về an ninh trật tự, ATTP, vệ sinh môi trường, tại các khu vực xung quanh chợ đầu mối".

Ông Nguyễn Bình Phương - Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Ảnh: Kim Cương
Giám đốc Kinh doanh - Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức Nguyễn Bình Phương (Ảnh: Kim Cương)

Ngoài ra, để công tác sơ chế, đóng gói tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực theo chủ trương của thành phố, đơn vị kiến nghị:

Cơ quan quản lý nhà nước cần có những chính sách, chế tài thực tiễn và sự hỗ trợ của các tỉnh Lâm Đông, Đăk Nông có vùng trồng cung cấp cho thành phố; phối hợp chỉ đạo xử lý các trường hợp hoạt động kinh doanh ở các tuyến đường xung quanh chợ, vi phạm về thực hiện ATTP, sơ chế hàng hóa tại điểm kinh doanh; thực hiện kiểm soát chặt chẽ công tác sơ chế tại nguồn đồng bộ đối với cả 3 chợ đầu mối và các khu vực lân cận, để đảm bảo thực hiện tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh...

Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức nằm trên Quốc lộ 1, tại vị trí cửa ngõ thành phố, thuộc phường Tam Bình, TP. Thủ Đức. Chợ có diện tích 203.676 m², sức chứa 1.584 sạp, vựa. Đây là một trong 3 chợ đầu mối lớn nhất TP. HCM.

Chợ bao gồm 3 nhà lồng với 606 ô vựa kinh doanh ngành hàng rau, 696 ô vựa kinh doanh ngành hàng trái cây, 92 ô vựa kinh doanh ngành hoa tươi và 30 ki ốt kinh doanh các ngành khác, chủ yếu là ngành hàng ăn uống… Bình quân mỗi ngày có gần 3.000 tấn rau, trái cây và hoa tươi nhập chợ.

Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đang là nơi cung ứng hàng đầu về các mặt hàng nông sản. Theo thống kê, lượng hàng hóa nhập vào, năm 2023, lên đến gần 985.000 tấn (tăng hơn 64.000 tấn so 2022)...

Tràng Giang