Chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng
Theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường):
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ… đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế đất nước, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và làm sói mòn niềm tin và sức khỏe người tiêu dùng.
Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và trở lại trạng thái bình thường mới, thì tình hình vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, trên phạm vi cả nước đã nóng trở lại. Điều đó, phản ánh sức mua hàng hóa và lượng sản xuất hàng hóa trong nước đang trên đà phục hồi.
Trước thực trạng đó, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm về hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đạt kết quả khả quan.
Song song đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg, ngày 29/3/2023 về phê duyệt “Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025”. Trong đó, có những nội dung chủ yếu:
Xây dựng các giải pháp nhằm hiện thực hóa các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), hướng đến hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, đáp ứng yêu cầu chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử trong tình hình mới;
Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao, mô hình kinh tế chia sẻ, giao dịch, quản lý các tài sản kỹ thuật số, các phương thức thanh toán mới, hệ thống xác thực và định danh điện tử;
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử;
Tập trung lực lượng, sử dụng tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh ngăn chặn vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ; làm rõ nguyên nhân phát sinh vi phạm; tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật, tham gia chống vi phạm về hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử;
Mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan, đơn vị, lực lượng thực thi pháp luật trong và ngoài nước, tổ chức quốc tế, nhằm huy động mọi nguồn lực phục vụ công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng, trong hoạt động thương mại điện tử.
Hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp
Theo ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP):
Công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ luôn được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần ổn định thị trường hàng hóa, tạo niềm tin đối với các nhà sản xuất, kinh doanh làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện nay, thực trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, khó lường.
Nguyên nhân là do, các đối tượng kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, thủ đoạn ngày càng tinh vi phức tạp; hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh tại các khu chung cư cao tầng... vẫn hết sức phức tạp, gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.
Hệ thống văn bản, chính sách pháp luật đang tiếp tục được hoàn thiện; song một số nghị định, chưa có sự thống nhất trong áp dụng xử lý, cũng như xác định hành vi vi phạm dẫn đến lúng túng cho các lực lượng chức năng trong công tác thực thi pháp luật.
Việc chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng còn hạn chế, chưa tạo sự đồng thuận trong phối hợp của các ngành chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Kinh phí phục vụ công tác điều tra, xác minh, giám định, xử lý các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, khiến nhiều vụ việc kéo dài thời gian xử lý.
Lực lượng trực tiếp đấu tranh chống buôn lậu, cũng như trang thiết bị, phương tiện còn mỏng và thiếu so với thực tế tình hình hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ngày càng phức tạp.
Việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái đã tạo siêu lợi nhuận cho các đối tượng vi phạm, khiến các đối tượng này bất chấp mọi hậu quả để thực hiện các hành vi phạm pháp của mình; trong khi chế tài xử lý các hành vi vi phạm vẫn chưa đủ sức răn đe.
Ông Nguyễn Đăng Sinh nhấn mạnh, nhằm chung tay, đồng hành cùng lực lượng chức năng đẩy lùi vấn nạn này, thời gian qua, Hiệp hội VATAP đã chủ động triển khai các kế hoạch đã đề ra, theo đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hiệp hội.
Theo đó, Hiệp hội triển khai thực hiện các kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương, có biện pháp thiết thực, phù hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu; khuyến khích, vận động các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng xác định hàng thật, hàng giả, cung cấp thông tin để lực lượng thực thi phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các mặt hàng như phân bón, thuốc thú y, bảo vệ thực vật, rượu, mỹ phẩm, thực phẩm...
Hiệp hội thường xuyên bám sát các doanh nghiệp hội viên, nắm bắt thông tin, kịp thời đưa ra các giải pháp, tư vấn giúp các doanh nghiệp khi sản phẩm, thương hiệu của họ bị làm giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Hiệp hội VATAP phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hội thảo về: "Thực trạng và giải pháp đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái"; “Chuyển đổi số” - đưa ra những giải pháp ứng dụng công nghệ mới trong việc chống làm giả, để các doanh nghiệp lựa chọn...
Hiệp hội tăng cường phối hợp cùng các lực lượng chức năng tại các địa phương; ký kết quy chế phối hợp với một số hiệp hội, ngành hàng trong công tác tuyên truyền đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, đạt những kết quả tích cực.
Cần ban hành bộ tiêu chuẩn định lượng chất lượng hàng hóa
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tư vấn y dược quốc tế (IMC) chia sẻ:
"Đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, cần có sự chung tay của cả cộng đồng xã hội; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với tác hại của việc sử sụng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Thực tế hiện nay, không ít người tiêu dùng vẫn có tâm lý ham mua hàng rẻ, mặc dù biết sản phẩm đó có thể là vi phạm".
Ông Nguyễn Xuân Hoàng cho rằng: Các cơ quan chức năng liên quan cần nghiên cứu - ban hành bộ tiêu chuẩn về định lượng chất lượng hàng hóa, làm căn cứ để các cơ quan thực thi tham chiếu khi kiểm tra, xử lý, nếu phát hiện có dấu hiệu hàng hóa giả mạo, hàng nhái xuất hiện trên thị trường.
Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng chế tài xử lý các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhằm tạo sức răng đe đối với các đối tượng vi phạm. Bởi vì, mua hàng giả - chính là tiếp tay cho tội phạm; người dân cần nâng cao nhận thức “nói không với hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ” - thì mới có thể kiểm soát và đẩy lùi vấn nạn này.
Đối với các doanh nghiệp, cần nâng cao trách nhiệm, tự bảo vệ thương hiệu sản phẩm hàng hóa bằng cách đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa của đơn vị mình và áp dụng những giải pháp công nghệ chống giả cho các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Trên mỗi sản phẩm hàng hóa, cần có số hotline, để người tiêu dùng liên hệ phản ánh thông tin khi phát hiện sản phẩm đó có dấu hiệu vi phạm.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng nhấn mạnh, Công ty IMC là doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất thực phẩm chức năng, được bào chế từ thảo dược, nguyên liệu quý từ thiên nhiên kết hợp với công nghệ hiện đại.
Qua hơn 1 thập kỷ hình thành và phát triển, IMC luôn là doanh nghiệp dẫn đầu trong việc sáng tạo ra các sản phẩm thực phẩm chức năng cao cấp có nguồn gốc thiên nhiên, kết hợp với tinh hoa của khoa học và công nghệ hiện đại.
Các sản phẩm của IMC luôn chứa những hàm lượng giá trị chất xám cao, được sàng lọc, hun đúc qua nhiều thập kỷ, được xây dựng bởi những nhà lãnh đạo có chuyên môn, đội ngũ nhân viên tâm huyết, gắn bó sâu sắc với nghề.
Đặc biệt, trên mỗi sản phẩm của doanh nghiệp, đều có thông tin nguồn gốc, thành phần nguyên liệu rõ ràng; các sản phẩm của IMC đều có tem chống hàng giả, có mã vạch, để khách hàng dễ dàng tra cứu thông tin, nguồn gốc xuất xứ.
Công ty chú trọng công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái; thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền giới thiệu về các sản phẩm hàng hóa trên thị trường có dấu hiệu là hàng giả những sản phẩm của công ty, để người tiêu dùng nhận biết, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng...
Nguyễn Kiên