Tuy nhiên, đến nay theo báo cáo của chủ đầu tư, dự án mới hoàn thành được khoảng 45% khối lượng, và chưa hẹn ngày về đích.

Do vậy, đông đảo dư luận Thủ đô đang kỳ vọng, chuyến trực tiếp thị sát Nhà máy Điện rác Sóc Sơn của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội (ngày 7/5) vừa qua, sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc…, để nhà máy sớm đi vào hoạt động, giải quyết khâu xử lý rác thải sinh hoạt không phân loại cho 9 quận nội thành và 5 huyện của TP. Hà Nội.

Phối cảnh Dự án nhà máy điện rác Sóc SơnPhối cảnh Dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn

Nhiều lần lỡ hẹn…

Trước đó, cuối năm 2017, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy điện rác Sóc Sơn với nguồn vốn đầu tư dự kiến hơn 7.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội.

Cũng trong năm 2017, chủ đầu tư đã tiến hành xong việc giải phóng mặt bằng và dự kiến khởi công trong năm 2018. Thời gian xây dựng nhà máy là 21 tháng tính từ ngày khởi công.

Với công suất tiêu thụ 4.000 tấn rác mỗi ngày/đêm, khi hoàn thành, Nhà máy điện rác Sóc Sơn được kỳ vọng sẽ giải quyết khâu xử lý rác thải sinh hoạt không phân loại cho 9 quận nội thành Hà Nội và 5 huyện (Thanh Trì, Gia Lâm, Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn). Lượng rác này sẽ được đốt để tạo ra 75 mW điện mỗi giờ. 

Bên cạnh đó, bằng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học (ghi di động) kiểu Waterleau của Bỉ với 3 tổ máy tuabin hơi nước. Công nghệ đốt rác sẽ tận thu nhiệt để phát điện phục vụ cho chính hoạt động của nhà máy và bán điện cho cơ quan điện lực quốc gia. Các thành phần chất thải trơ, tro xỉ cũng được tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng hoặc san lấp mặt bằng.

Tuy nhiên, dù chủ đầu tư đã giải phóng xong mặt bằng từ cuối năm 2017, dự kiến khởi công xây dựng nhà máy điện rác Sóc Sơn vào cuối năm 2018, nhưng đến giữa năm 2019, địa điểm quy hoạch xây dựng nhà máy vẫn chỉ là một bãi đất trống.

Sau nhiều lần lỗi hẹn tiến độ với người dân Thủ đô, trả lời báo chí (tại thời điểm tháng 7/2019), đại diện Công ty Cổ phần năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội cho biết: “Hiện tại dự án vẫn chưa đi vào khởi công, dự án cũng chưa đủ thủ tục pháp lý…”.

Cũng trong năm 2019, theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, bình quân mỗi ngày, các hộ dân, cơ sở sản xuất trên địa bàn Thủ đô phát sinh từ 6.500 đến 7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, tại khu vực nông thôn mới chỉ có khoảng hơn 80%% lượng rác thải hằng ngày được thu gom, xử lý…

Mới hoàn thành được 45% khối lượng

Theo báo cáo của chủ đầu tư (tại buổi kiểm tra tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy điện rác tại Khu xử lý chất thải Nam Sơn của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vào ngày 7/5 - PV), đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 45% khối lượng công việc. Hiện, đơn vị đang thi công tường bao khu vực, sàn đổ rác nhà máy chính, bể rác số 1, bể rác số 2, sàn sau lò nhà máy chính, phòng tua bin hơi, nhà hành chính, tường bao phía Nam, trạm tăng áp, trạm xử lý nước thải, lắp đặt cẩu tháp số 1 và số 2, lắp đặt hệ thống lò đốt số 2 và số 3…

Theo báo cáo của chủ đầu tư, đến nay dự án mới hoàn thành khoảng 45% khối lượng công việc.Theo báo cáo của chủ đầu tư, đến nay dự án mới hoàn thành khoảng 45% khối lượng công việc.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ sau thời điểm Tết nguyên đán đến nay, nhiều cán bộ và công nhân kỹ thuật nước ngoài (ước tính khoảng 110 người) chưa thể sang Việt Nam để tiếp tục triển khai công việc…

Bên cạnh đó, do hai cổ đông của Công ty Thiên ý đặt trụ sở tại châu Âu, khu vực đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ảnh hưởng đến tiến độ điều chỉnh chủ trương đầu tư để bổ sung hai hạng mục công trình (đường ống cấp nước thô, trạm bơm và đường điện 110 KV). Trước tình hình này, chủ đầu tư báo cáo khả năng tiến độ hoàn thành sẽ chậm từ 2-3 tháng so với kế hoạch đề ra.

Tại buổi kiểm tra này, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, đây là công trình trọng điểm, rất quan trọng, TP đã tạo mọi điều kiện để dự án thi công đúng kế hoạch đề ra. Song, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự án đã chậm 3 tháng.

Do đó, ông Hùng đề nghị chủ đầu tư cố gắng hơn, làm tăng ca để dự án cùng lắm chỉ chậm 1 tháng. Đặc biệt, ông Hùng yêu cầu chủ đầu tư cần có phương án thi công cụ thể vì thời tiết trong thời gian tới sẽ diễn biến hết sức phức tạp, cần lường trước được những khó khăn trong việc nhập khẩu các thiết bị máy móc ở châu Âu…

Yêu cầu chủ đầu tư phải báo cáo tiến độ hằng tuần

Cũng tại buổi kiểm tra, sau khi trao đổi với chủ đầu tư về những vướng mắc của dự án, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, đối với việc thay đổi thông số thiết bị máy phát điện và trạm biến áp, TP thống nhất và đề nghị chủ đầu tư sớm hoàn thiện toàn bộ hồ sơ gửi Sở KH&ĐT chủ trì cùng Sở Khoa học công nghệ và các sở ngành liên quan báo cáo trình UBND TP trước ngày 15/5/2020.

Đối với vướng mắc liên quan đến công tác thi công 2 công trình phụ trợ ngoài nhà máy, gồm trạm bơm nước và tuyến ống dẫn nước từ trạm bơm về nhà máy, hệ thống truyền tải điện, ông Chung giao UBND huyện Sóc Sơn chủ trì, phối hợp các sở: Giao thông, Quy hoạch Kiến trúc, Tài Nguyên & Môi trường tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác xác định hướng tuyến đường ống nước thô từ trạm cấp nước về nhà máy, xác định ranh giới cắm mốc cột điện cao thế, thực hiện cắm mốc, thu hồi đất,…

yêu cầu các sở ngành 'gỡ khó' cho dự án, Ông Nguyễn Đức Chung, đề nghị hàng tuần, chủ đầu tư phải có báo cáo (tiến độ, khó khăn vướng mắc)Ngoài việc yêu cầu các sở, ngành "gỡ khó" cho dự án, ông Nguyễn Đức Chung đề nghị, chủ đầu tư phải có báo cáo (tiến độ, khó khăn vướng mắc) hằng tuần.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, cùng với quá trình trình thành phố điều chỉnh chủ trương đầu tư, Chủ tịch TP. Hà Nội cũng cho phép chủ đầu tư, các sở ngành đồng thời làm song song các thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện.

Liên quan đến kiến nghị hỗ trợ tạo điều kiện cho chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, ông Chung cho biết TP sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư và giao Sở Y tế tiếp tục hỗ trợ, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh theo quy định. Nên chủ đầu tư cần tính toán thời gian đến của các chuyên gia cho phù hợp, bảo đảm tiến độ dự án.

Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị hàng tuần, chủ đầu tư phải có báo cáo (tiến độ, khó khăn vướng mắc) để TP sớm tháo gỡ, tạo mọi điều kiện đưa dự án sớm đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, song song với việc đẩy nhanh thi công, chủ đầu tư cũng xây dựng dần kế hoạch nghiệm thu, cố gắng rút ngắn thời gian để tiến hành chạy thử vào tháng 11/2020, đưa vào vận hành vào tháng 12/2020.

T.N