Bác Hồ với báo chí cách mạng Việt Nam (Ảnh tư liệu)Bác Hồ với báo chí cách mạng Việt Nam (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của báo chí cách mạng, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân và của dân tộc.

Năm 1922, tại Pháp, Bác đã tham gia sáng lập tờ báo “Le Paria” (Người cùng khổ) và được coi là “linh hồn” của tờ báo, Người vừa làm chủ bút, chủ biên, giữ quỹ, phát hành và bán báo.

Đặc biệt, năm 1925, tờ báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ra số đầu tiên ngày 21/6/1925 - là điểm mốc đáng nhớ, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng và nêu cao trách nhiệm của báo chí, của nhà báo trước xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định lấy ngày 21/6 hàng năm là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Sau gần 30 năm bôn ba ở nước ngoài, tháng 1/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc và sáng lập báo Việt Nam Độc lập (số đầu tiên được đánh số 101, ra ngày 1/8/1941) nhằm kêu gọi nhân dân đoàn kết vững bền cùng nhau cứu nước.

Ngày 15/10/1949, báo Sự Thật đăng bài “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh X.Y.Z. Bài báo ra đời ở thời điểm cả dân tộc đang chuẩn bị bước vào những chiến dịch lớn trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng gay go, quyết liệt, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng phải đi vào chiều sâu, cụ thể, thiết thực nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Tác phẩm đã chỉ dẫn về nội dung, phương pháp dân vận vô cùng sâu sắc, nhưng hết sức giản dị, tỏ rõ phong cách của vị lãnh tụ thiên tài. 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng, Bác rất cẩn trọng trong từng câu chữ, ý tứ, nội dung các bài báo mình viết. Bác luôn quan niệm phải viết sao cho dân chúng hiểu và quan tâm đọc.

Bác có một thói quen là thường đem những bài báo sau khi viết xong cho những người xung quanh nghe và góp ý, kể cả khi Người đã làm Chủ tịch nước. Văn phong của Bác thường ngắn gọn, trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ mà vẫn thể hiện những nội dung quan trọng cần truyền bá tới người dân.

Tháng 4/1959, tại Đại hội lần thứ II - Hội Nhà báo Việt Nam, Người chỉ rõ: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ”.

Để báo chí luôn là diễn đàn của nhân dân, phục vụ nhân dân, Người khẳng định: “Một tờ báo không được đại đa số (dân chúng) ham thích, thì không xứng đáng là một tờ báo” và “Không riêng vì viết sách, viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước tại Hà Nội tháng 5/1968 (Ảnh tư liệu TTXVN)Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước tại Hà Nội tháng 5/1968 (Ảnh tư liệu TTXVN)

Tháng 9/1962, tại Đại hội lần thứ III - Hội Nhà báo Việt Nam, Bác nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Trong cách thể hiện, người cho rằng: “Làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, nội dung, cách viết”. Mục đích “Viết để làm gì? Viết để cho ai xem? Viết như thế nào?”… chính là những yếu tố giúp báo chí hoàn thành sứ mệnh là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng; là cầu nối để các cộng đồng hiểu nhau hơn.

Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, Người đòi hỏi báo chí cách mạng không ngừng học tập, nâng cao trình độ hiểu biết chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp. Do vậy, người làm báo cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, không ngại khó khăn, hy sinh, vì nhân dân phục vụ; cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động.

Người nhấn mạnh vai trò “chiến sỹ” của người làm báo, đòi hỏi nhà báo phải kiên định lập trường, giữ vững quan điểm báo chí cách mạng, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt. Hơn ai hết, nhà báo phải là người chí công vô tư, có hiểu biết rộng và nhất là có cái tâm trong sáng.

Người dạy, báo chí là một nghề, cho nên người làm báo cách mạng cần được bồi dưỡng lập trường cách mạng vững vàng, thường xuyên rèn luyện đạo đức, được đào tạo nghề nghiệp, biết ngoại ngữ… Những người làm báo phải biết trau dồi kiến thức, học tập lý luận, lăn lộn trong thực tiễn và gắn bó với nhân dân.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã viết khoảng 2.000 bài báo, tác phẩm với nhiều thể loại và được ký bằng 174 tên gọi, bí danh và bút danh khác nhau. Đó là những tác phẩm lý luận quan trọng - cẩm nang chỉ đường cho Đảng và nhân dân ta trong các giai đoạn cách mạng.

Hiện nay, đất nước ta ngày càng phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên các lĩnh vực, đòi hỏi cơ quan báo chí và những người làm báo tiếp tục phát huy truyền thống báo chí cách mạng 95 năm qua, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, luôn quán triệt quan điểm có tính nguyên tắc đó là báo chí đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, nhà nước, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn của nhân dân…

95 năm qua, báo chí nước nhà đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc về mọi mặt. Song, tư tưởng của Bác về đạo đức nghề báo và những lời căn dặn của Người với đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam vẫn vẹn nguyên giá trị và luôn mang tính thời sự.

Hương Xuân