Trong chương trình hành động của mình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quan tâm tới 4 vấn đề chính gồm: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an sinh xã hội; giải quyết kiến nghị người dân, đấu tranh phòng chống tham nhũng; thúc đẩy triển khai 4 chương trình phát triển thành phố đã đề ra; thúc đẩy sáng kiến, đưa TP.HCM thành hình mẫu của cả nước.
Nói riêng về huyện Hóc Môn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vấn đề lớn hiện nay tại huyện Hóc Môn, Củ Chi là hạ tầng giao thông. Các công trình như đường vành đai, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh), tuyến ven sông, đường phố mới cần được quy hoạch trên tinh thần phát triển hạ tầng huyện Hóc Môn thành đô thị sinh thái.
Đồng thời, huyện Hóc Môn cần quan tâm đến các thành phần xã hội, tôn giáo chức sắc, quan tâm đến gia đình chính sách, người nghèo, người yếu thế để mọi người dân đều có điều kiện phát triển.
Trong chương trình hành động, sau khi lắng nghe ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự biết ơn vì sự đóng góp cụ thể, chân thành, có trách nhiệm của người dân. Đồng thời, khẳng định tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của cử tri và sẽ tổng hợp những vấn đề này để đưa lên Quốc hội.
TP.HCM có 10 đơn vị bầu cử với 50 ứng cử viên để bầu 30 đại biểu Quốc hội khóa XV (37 người do TP.HCM giới thiệu, 13 người do Trung ương đề xuất).
Tổ bầu cử đơn vị số 10 (huyện Củ Chi và Hóc Môn) có 5 ứng viên, gồm: Ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước; bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Nguyễn Thanh Hiệp, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; ông Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM; và ông Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Trong đợt bầu cử lần này, TP.HCM có 5,5 triệu cử tri tại 3.092 tổ bầu cử. Bên cạnh việc bầu ra 30 đại biểu Quốc hội khóa XV, cử tri trên địa bàn sẽ bầu ra 95 đại biểu HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.
Mai Anh