THCL Thị trường bán lẻ dần rơi vào tay của các nhà bán lẻ nước ngoài khi ngành bán lẻ trong nước vẫn mang trong mình “căn bệnh” cố hữu.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hải quan xung quanh việc “chữa bệnh” cho ngành bán lẻ.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã “lệnh” cho các bộ, ngành tìm giải pháp để phát triển ngành bán lẻ trong nước. Trong bối cảnh nhà bán lẻ nước ngoài đang thâu tóm thị trường thì “động thái” này có còn kịp không thưa ông?

Theo tôi, sức ép đối với bán lẻ đang “phả vào gáy” và thị trường bán lẻ Việt Nam đang mất một nửa khi mà các nhà đầu tư nước ngoài tập trung đầu tư, mua bán, sáp nhập để thâu tóm hệ thống phân phối.

“Chữa bệnh” cho thị trường bán lẻ - Hình 1

Ông Vũ Vinh Phú nói: “Cần có một “hội nghị Diên Hồng” trong lĩnh vực phân phối bán lẻ”

Đến thời điểm này chúng ta mới quan tâm đến các giải pháp phát triển bán lẻ là hơi chậm. Dù vậy, sự quan tâm của Chính phủ muộn còn hơn không. Trên thực tế, chúng ta có đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhưng đề án vẫn nằm trên giấy 70%. Hàng hóa nước ngoài vẫn vào mà chúng ta không thể ngăn cản. Nếu không nâng chất lượng hàng Việt thì chắc chắn chúng ta thua ngay trên sân nhà.

Vậy theo ông, biện pháp để giải cứu thị trường bán lẻ cần bắt đầu từ đâu?

Sức ép đối với thị trường bán lẻ chỉ có 30% đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, còn lại 70% là “chúng ta tự hại chúng ta” làm cho “cơ thể” bán lẻ Việt Nam yếu đi. Việc “tự hại” thể hiện ở nhiều điểm như Nhà nước hầu như không có hỗ trợ cho bán lẻ, vẫn còn tình trạng ép giá nhau, tự hại nhau, ép người sản xuất và người tiêu dùng phải mua giá cao, một số siêu thị còn tình trạng phí gầm bàn... Tôi có dự một hội nghị của Sở Công Thương Hà Nội, có người đứng lên phát biểu rằng, cả năm nay không có đồng tiền nào cho cải tạo chợ, trong khi, bán lẻ chợ vẫn chiếm 75% doanh số.

Do đó, muốn “chữa bệnh” cho ngành bán lẻ cần phải tập trung vào một số vấn đề như: Quy hoạch, chính sách hỗ trợ DN trong nước không vi phạm các quy định của WTO và các hiệp định thương mại tự do đã ký, tạo được các DN mạnh làm đầu tầu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, xây dựng Luật Bán lẻ, Luật Phân phối phân phối lợi nhuận giữa sản xuất và phân phối.

Chúng ta cần có một “hội nghị Diên Hồng” trong lĩnh vực phân phối bán lẻ để lấy ý kiến tham vấn từ DN nhằm đưa ra các quy định mang tính sát thực, khả thi, minh bạch, công bằng và hiệu quả.

Được biết, quy hoạch về bán lẻ đã có song việc thực hiện quy hoạch còn nhiều “vấn đề”?

Chúng ta đã có quy hoạch về bán lẻ nhưng khâu thực hiện méo mó, không hiệu quả, bị nhóm lợi ích thâu tóm. Trên thực tế, yêu cầu về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) là một trong những điều kiện để thực hiện cấp phép siêu thị, đại siêu thị… nhưng cho đến nay hiệu quả của ENT rất thấp. Một hội nghị của Bộ Công Thương cứ bàn nhiều về ENT nhưng các DN nước ngoài có cần đâu. Họ mua Fivimart, Citimart, Nguyễn Kim… lập tức họ có hệ thống bán lẻ mấy chục điểm. Vì thế, đây không phải là vấn đề chính để ngăn chặn làn sóng FDI vào Việt Nam. Cộng thêm việc địa phương cục bộ cho cắm đại siêu thị nước ngoài ở thành phố thì câu chuyện về ENT còn dễ dàng hơn. Ví dụ dễ thấy nhất về việc phá vỡ quy hoạch là ở Thái Thịnh (Hà Nội) “cắm” 3 siêu thị.

Tôi cho rằng, không nên quản lý bằng biện pháp hành chính mà phải quản lý bằng quy hoạch, đâu là siêu thị, đâu là đại siêu thị, đâu là chợ đầu mối, nếu đúng quy hoạch thì cho vào không thì thôi mà không cần phải có yêu cầu ENT.

Một trong những giải pháp để phát triển ngành bán lẻ được ông đưa ra là có chính sách hỗ trợ DN nội địa không vi phạm các quy định của WTO và các hiệp định thương mại tự do đã ký. Ông có thể nói cụ thể hơn về biện pháp này?

Chính sách hỗ trợ DN nội trước hết phải đi từ việc hỗ trợ cho sản xuất – đầu vào của bán lẻ và hỗ trợ cho hệ thống phân phối. Chúng ta phải quan tâm đến sản xuất như giải quyết hạn điền, tích tụ sản xuất ruộng đất lớn để cung cấp đầu vào cho bán lẻ vững chắc, cung cấp hàng sạch, giá cả cạnh tranh để cạnh tranh với hàng Thái Lan, hàng Nhật… Sự quan tâm đến sản xuất không chỉ dừng ở việc bảo người ta sản xuất, mà phải quan tâm đến lợi nhuận của người sản xuất. Muốn hỗ trợ cho sản xuất trước tiên DN phải vào cuộc bởi DN mới có vốn, kinh nghiệm, thị trường và đầu tư. 

Đáng chú ý, khâu liên kết từ sản xuất cho đến phân phối của chúng ta rất kém. Vì đó, mới có chuyện chuối sản xuất ra chỉ 2.000-3.000 đồng/kg nhưng giá bán ở siêu thị tại Hà Nội vẫn là 20.000-30.000 đồng/kg, nhiều mặt hàng khác như thanh long, cà chua, dưa hấu… cũng đều rơi vào tình trạng như vậy.

Tôi đã nhiều lần nói, khâu bán lẻ ăn ít lợi nhuận hơn đi, họ đang ăn quá nhiều lợi nhuận của người sản xuất như phí đầu kệ, sinh nhật, phí gầm bàn, chiết khấu… Tất cả những cái đó đang “giết” sản xuất. Phải có sự liên kết giữa sản xuất và phân phối để cả 2 cùng thắng.

Nhà nước hỗ trợ hệ thống phân phối bằng cách xây dựng các tập đoàn mạnh dẫn dắt thị trường làm đối trọng. Theo đó, cần chọn DN làm ăn tử tế, làm ăn thật và có tiềm lực. Theo tôi, nên ủng hộ Vingroup, Saigon Co.op - 2 DN “đáng mặt anh hào”, còn lại các DN nội đang co cụm, bán cho DN nước ngoài (như Tập đoàn Phú Thái, Fivimart) hoặc cho thuê mạng lưới. Cay đắng nhất là Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) nắm giữ hệ thống mạng lưới phân phối rộng lớn nhưng hiện 30-40% là cho thuê kinh doanh ngành nghề khác. Một lãnh đạo của Bộ Công Thương đã từng phát biểu, các anh (tức DN- PV) cứ đòi hỗ trợ nhưng hỗ trợ xong các anh bán hết cho DN nước ngoài, hóa ra chúng ta “hỗ trợ” cho nước ngoài. Thật cay đắng!

Nói đến sự hỗ trợ, lâu nay DN vẫn thường “kêu” rằng, chỉ cần được cạnh tranh công bằng, đó là mong muốn lớn nhất của DN?

Muốn minh bạch, công khai của hệ thống bán lẻ để mọi người xuất phát cùng một vạch như vận động viên thì cần công khai thuế của các siêu thị trong và ngoài nước, không chỉ bán lẻ mà còn các mảng nhà hàng, dịch vụ kèm theo, lên báo chí để chuyên gia và nhân dân giám sát. Điều này cũng giúp ngành Thuế dễ làm việc hơn.

Phần mềm bán hàng của các siêu thị, buổi tối nếu muốn rút doanh số xuống 1/3 thì làm được ngay. Còn ở Trung Quốc, siêu thị bán 1 cái bút là lập tức chạy về cục thuế, còn ở nước ta vẫn đứng yên trong phần mềm bán hàng của siêu thị. Ở Matxcơva cách đây 19 năm, dù bán 1 bát phở cũng phải chuyển về Cục thuế Matxcơva, nếu không sẽ bị rút giấy phép đăng ký kinh doanh ngay. Các nước quản lý kỹ thuật, công khai, còn ở Việt Nam ông bán 5 bát có khi chỉ nộp 1 bát còn ông bán 1 bát có khi nộp thuế 5 bát (?!)

Muốn minh bạch trong bán lẻ để Nhà nước kiểm soát được, đồng thời cạnh tranh bình đẳng giữa DN trong nước và nước ngoài, DN trong nước với DN trong nước, giữa những người làm ăn nghiêm chỉnh và không nghiêm chỉnh, giữa gian thương và nhà buôn chân chính thì phải công khai thuế và tiến tới các siêu thị lớn phải nối phần mềm bán hàng thường xuyên với cục thuế để kiểm soát doanh thu. Đó chính là biện pháp giúp DN cạnh tranh công bằng.

Xin cảm ơn ông!

Ông Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương): Trong thương mại, quan trọng nhất là khâu bán lẻ bởi đây là nơi tiếp xúc giữa người buôn và người tiêu dùng trực tiếp. Qua đó, giá trị hàng hóa được thực hiện và giá trị sử dụng hàng hóa được người tiêu dùng đánh giá. Thị trường bán lẻ có phát triển tốt hay không mới kéo theo cả khâu trước đó như bán buôn, sản xuất… phát triển.

Từ trước đến nay, nhiều DN chủ yếu nghĩ tới XK nên cũng bỏ lơi thị trường nội địa, điều đó cũng có nghĩa là bỏ lơi thị trường bán lẻ. Vì thế, sự vào cuộc của Chính phủ là điều đáng mừng, điều chỉnh lại một thời kỳ dài chúng ta đã sai lầm.

Tuy nhiên, nếu các biện pháp chỉ đơn thuần là hỗ trợ DN thì chưa đủ mà cần những giải pháp căn cơ, bài bản hơn. Theo đó, làm thế nào để phát triển được thị trường bán lẻ hiện đại theo yêu cầu của cuộc sống, xã hội hiện đại. Điều này đòi hỏi phải có cái nhìn rộng lớn hơn về yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển thị trường bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ: Các biện pháp để bảo vệ thị trường bán lẻ đặt ra lúc này là cần thiết. Phía các DN cũng phải cố gắng vươn lên cạnh tranh với các DN nước ngoài. Nếu chúng ta không đủ sức làm mà nhường sân cho các DN ngoại thì cuộc cạnh tranh sẽ càng dữ dội hơn.

Trong lúc sức lực của chúng ta có hạn hơn so với bên ngoài, tôi cho rằng nên hướng vào phát huy sức mạnh nội bộ, tức là hình thành sự liên kết nội bộ giữa các DN. Một DN làm không được thì có thể nhiều DN cùng tham gia, điều này tốt hơn là để tình trạng phát triển manh mún, nhỏ lẻ như thời gian qua.

Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Saigon Co.op: Về phía DN, chúng tôi sẽ tập trung phát huy điểm mạnh đang có như: Sự am hiểu thị trường, tâm lý người tiêu dùng Việt Nam; phát huy mối quan hệ giữa Saigon Co.op với đơn vị cung cấp, các đơn vị đối tác cung ứng để có thể phát triển vững chắc; tập trung xây dựng chiến lược, phát huy yếu tố sáng tạo, chủ động hơn nữa.

Giải pháp cụ thể là tập trung vào phát triển mô hình và mạng lưới bán lẻ, phát triển nguồn hàng, dịch vụ hậu cần logictis để nguồn hàng đến được điểm bán một cách tốt và hiệu quả nhất và đào tạo nguồn nhân lực.

Riêng với giải pháp phát triển nguồn hàng, Saigon Co.op không chỉ dừng ở mức độ liên kết với các nhà sản xuất, nông dân, nhà cung cấp mà còn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu để có được chân nguồn hàng thật tốt, thật chất lượng và đảm bảo kiểm soát thật đầy đủ các quy trình để từ đó phục vụ khách hàng với những hàng hóa chất lượng tốt nhất và giá thành tốt nhất.

Theo Báo Hải quan