Nhìn lại tình hình kinh tế hai tháng đầu năm, theo các chuyên gia kinh tế và số liệu từ Cục Thống kê, Bộ Tài chính, có thể thấy, kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp đà tăng trưởng, lạm phát được kiểm soát và các cân đối lớn được bảo đảm. Đặc biệt, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong hai tháng qua đạt gần 6,9 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, trong hai tháng vừa qua, cả nước có hơn 49.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có hơn 24.900 doanh nghiệp mới và tái hoạt động, cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng kinh tế. Hàng loạt chính sách cải cách đang được chỉ đạo quyết liệt nhằm khơi thông các nguồn lực phát triển. Những thông điệp mạnh mẽ từ lãnh đạo Đảng và Nhà nước đang thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết cho doanh nghiệp quyết tâm mở rộng sản xuất kinh doanh.
Doanh nhân Nguyễn Đức Quý, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Công nghiệp Vconnex, nhận định: "Cơ hội đi ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn. Là doanh nghiệp công nghệ, chúng tôi nhận thấy nhiều đối tác quốc tế đang tìm kiếm doanh nghiệp Việt Nam có năng lực sản xuất để xuất khẩu. Đây không chỉ là cơ hội của Vconnex mà còn là cơ hội chung cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam".
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân và FDI là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững. Các doanh nghiệp nhà nước với nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ và nhân lực chất lượng cao cần phát huy vai trò tiên phong, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, cho biết: "Tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển sản xuất đạt 27,5%, cao hơn nhiều so với khu vực FDI và các thành phần kinh tế khác. Đây là lợi thế cần phát huy để thực hiện định hướng chiến lược kinh tế của đất nước".
Theo Tiến sỹ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 là khả thi, bởi dư địa cho tăng trưởng của nước ta còn rất nhiều. Nếu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp, khu vực này sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế.
Tiến sỹ Lê Duy Bình nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Chính phủ cam kết mạnh mẽ trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, sử dụng hiệu quả nguồn lực và giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Trong ngắn hạn, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng là tiếp tục kích thích đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân, đảm bảo tổng mức đầu tư xã hội đạt cao và mở rộng cung tiền hợp lý nhằm kích thích tăng trưởng. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở xã hội và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Với sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng vào sự bứt phá của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025 và những năm tiếp theo, dựa trên nền tảng năng lực nội sinh được củng cố và phát huy.
Ông Lương Văn Tự, nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại và là Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trao đổi: "Theo tôi, các FTA mới đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư. Nhưng do tình hình lạm phát cao của EU, Hoa Kỳ và giảm sút kinh tế của EU, Mỹ và Trung Quốc, xung đột giữa Nga và Ukraina, nên xuất khẩu của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng và giảm so với năm trước".
Là một trong những chuyên gia đàm phán, ông Tự cho rằng, tranh thủ vốn và công nghệ nước ngoài là cần thiết, song nếu doanh nghiệp trong nước không tự phát triển để đảm đương vai trò trụ cột nền kinh tế, đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững, thì một khi lợi thế về nhân công và thuế thấp không còn, lợi nhuận giảm, doanh nghiệp FDI sẽ đi tìm nơi có lợi nhuận cao để đầu tư.
Dù thế nào, một thực tế không chối cãi là: Từ một quốc gia bị cô lập, nền kinh tế manh mún và bất ổn, Việt Nam đã hội nhập thật sự vào nền kinh tế toàn cầu, với tất cả cẩn trọng vốn có và tự tin đạt hiệu quả.
Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam, khác với quan ngại - phần lớn từ những nhà quan sát trong nước - về tính tự chủ - độc lập của nền kinh tế, trên thực tế đã "đứng vững trên đôi chân" của mình. Có thể ví von "đôi chân" đó là tự chủ - tự cường và hội nhập toàn cầu. Yếu đi một trong hai chân, nền kinh tế của chúng ta sẽ trở nên loạng choạng. Vào các thời kỳ khủng hoảng, tính tự chủ của nền kinh tế luôn đóng vai trò quan trọng và trở thành trụ đỡ cho toàn nền kinh tế.
PV (t/h)