Sau vụ rau VietGAP “dỏm” đội lốt “biến hình” vào siêu thị, nấm Trung Quốc gắn mác “VietGap” thì động thái của các chuỗi bán lẻ Winmart+, Bách Hóa Xanh, Tiki Ngon,… là thu hồi và ngưng nhập hàng của các nhà cung cấp. Đồng thời, các nhà bán lẻ này yêu cầu các nhà cung cấp giải thích về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và quy trình cung ứng.
Hầu hết chuỗi bán lẻ đều khẳng định tuân thủ quy định kiểm soát hàng hoá và quy trách nhiệm nhà cung cấp vi phạm hợp đồng, đánh tráo, gian lận nhãn hiệu và hàng hoá…
Tuy nhiên, trong khi đó người tiêu dùng cho rằng họ đến mua hàng tại siêu thị tức là hàng hoá đó của siêu thị, họ không biết nhà cung cấp nào đưa hàng vào siêu thị bán. Chủ siêu thị phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên khi đưa hàng hoá lên kệ của mình. Người tiêu dùng cho rằng, họ tin tưởng vào thương hiệu của siêu thị để đến mua hàng hoá chứ không phải họ tin vào hàng hóa để đến siêu thị đó mua hàng.
Theo luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh thì, nhà bán lẻ, chủ siêu thị bán sản phẩm không đúng nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, nhãn hiệu… phải chịu trách nhiệm đối với người tiêu dùng chứ không thể đổ hết trách nhiệm cho nhà cung cấp. “Đơn vị bán hàng ký hợp đồng với nhà cung cấp thì phải có trách nhiệm nắm rõ nguồn gốc, chất lượng sản phẩm nhà cung cấp cung cấp cho mình và phải chịu trách nhiệm về sản phẩm đơn vị bán ra”, bà Việt Thu nêu ý kiến.
Liên quan đến vấn đề này, Thương hiệu & Công luận đã thực hiện nhiều tuyến bài về hàng hoá, sản phẩm được bày bán trong siêu thị như siêu thị: Co.opmart, Co.op Food, Vilco Mart 24h…. Trong đó, nhiều siêu thị đã bày bán hàng hoá, sản phẩm hết hạn sử dụng, không tem nhãn, tem nhãn phụ Tiếng Việt. Khi người tiêu dùng/khách hàng lên tiếng phản ánh các sản phẩm lỗi, hết hạn sử dụng, không tem nhãn thì chủ các siêu thị đã quy trách nhiệm do nhà cung cấp…
Điển hình như câu chuyện thương hiệu của Co.opmart – một hệ thống siêu thị bán lẻ của Việt Nam. Co.opmart hiện là doanh nghiệp có nhiều siêu thị nhất Việt Nam, với hơn 140 siêu thị và đại siêu thị, thế nhưng Co.op mart Long Biên lại bàỳ bán nhiều sản phẩm, thực phẩm hết hạn sử dụng, không có hạn sử dụng, hạn sử dụng còn rất ngắn, sản phẩm thực phẩm không có tem nhãn…
Cụ thể, Thương hiệu & Công luận đăng tải bài viết: “Siêu thị Co.op mart Long Biên bày bán nhiều sản phẩm hết hạn sử dụng, có coi thường sức khỏe người tiêu dùng?” ngày 27/03/2022, phản ánh của người tiêu dùng về việc, nhiều sản phẩm, thực phẩm hết hạn sử dụng, không có hạn sử dụng, hạn sử dụng còn rất ngắn, sản phẩm thực phẩm không có tem nhãn… được bày bán trong Co.op mart Long Biên.
Sau khi đem hàng hoá về sử dụng, người tiêu dùng mới phát hiện trong số 11 sản phẩm mua tại Co.op mart Long Biên thì 04 hết hạn sử dụng; 04 không hạn sử dụng; 02 không tem nhãn phụ.
Đến ngày 02/04/2022, Thương hiệu & Công luận có bài viết: “Co.opmart Long Biên làm gì "thượng đế" khi bị khiếu nại về thực phẩm hết hạn sử dụng?” liên quan đến việc người tiêu dùng đem sản phẩm đến Co.op mart Long Biên trao đổi thì phát hoảng với thái độ với "thượng đế".
Cán bộ Quản lý siêu thị Co.opmart Long Biên đã xác nhận: Số hàng hoá người tiêu dùng đổi trả đúng là sản phẩm của bên siêu thị. “Bên em sẽ đổi trả cho chị nhưng siêu thị phải thông báo cho nhà phân phối trước. Đợi nhà phân phối phản hồi lại mới đổi được cho chị”, vị cán bộ Quản lý siêu thị nói.
Thiết nghĩ, việc đổi trả và báo cho nhà phân phối là hai việc khác nhau, đó là vấn đề của siêu thị chứ không phải của người tiêu dùng. Việc gây khó khăn cho người tiêu dùng khi đến đổi trả sản phẩm lỗi, thực phẩm hết hạn sử dụng từ trước khi họ mua, mà cách giải quyết như trên, thể hiện chính sách chăm sóc Co.op mart khách hàng/người tiêu dùng/"thượng đế" của siêu thị không ổn.
Được biết, Co.op Mart trực thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh - Saigon Co.op; Chuỗi siêu thị Co.op Mart đầu tiên được ra mắt vào năm 1996 tại số 189C Cống Quỳnh, quận 1, TP. HCM. Đây là hệ thống siêu thị thuần Việt lâu đời nhất trên cơ sở tồn tại và phát triển ổn định liên tục trong 25 năm.
Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh - Saigon Co.op ra đời từ năm 1989, được xem là cái nôi của bán lẻ hiện đại Việt Nam. Saigon Co.op đã từng bước khẳng định và phát triển với các siêu thị Co.op Mart, chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn tiện lợi Co.opFood, cửa hàng tiện lợi 24h – Cheers… lần lượt ra đời.
Trước đó, trên các phương tiện thông tin truyền thông, Co.op Mart có cam kết là bán hàng hóa, sản phẩm chuẩn...để lấy niềm tin của người tiêu dùng khi mà bị khui ra hàng loạt bê bối bán hàng hết hạn, không hạn sử dụng; người tiêu dùng đến đổi sản phẩm thì bị gây khó dễ; không đổi, thách thức người tiêu dùng...
Nhưng, Thương hiệu & Công luận có bài phản ánh của người tiêu dùng về việc, Siêu thị Co.op mart Long Biên bày bán nhiều sản phẩm hết hạn sử dụng, có coi thường sức khỏe người tiêu dùng? và Co.opmart Long Biên làm gì "thượng đế" khi bị khiếu nại về thực phẩm hết hạn sử dụng?. Đến nay, người tiêu dùng vẫn chưa nhận được câu trả lời thích đáng cũng như hướng giải quyết sự việc nói trên của lãnh đạo Co.op Mart Long Biên cũng như lãnh đạo đứng đầu là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh - Saigon Co.op.
Với một hệ thống được coi là cái nôi của ngành bán lẻ hiện đại Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh liệu có đứng vững trên thị trường trong thời gian sắp tới hay không khi người tiêu dùng phản ánh về tình trạng nói trên vẫn không có động thái, hướng xử lý, mà tình trạng đó vẫn còn tiếp diễn… Bởi người tiêu dùng đã dần mất niềm tin vào nguồn gốc cũng như chất lượng chất lượng của sản phẩm mang tên Co.op Mart.
Hay như câu chuyện thương hiệu Vilco Mart 24h – Công ty CP Tập đoàn đầu tư kết nối yêu thương Việt Nam. Tuy Vilco Mart 24h là một trong những thương hiệu mới thành lập vào tháng 10/2021 với quy mô 11 cơ sở nằm trên địa bàn các tỉnh nhưng tại 1 số cơ sở của Vilco Mart 24h như: Bắc Ninh, Hà Nội, Nghệ An… lại bày bán hàng hoá không nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn, không hạn sử dụng, không tem nhãn phụ tiếng Việt…
Sau khi bài viết: Siêu thị Vilco Mart24h bày bán nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Bắc Ninh được đăng tải trên Thương hiệu & Công luận vào ngày 12/08/2022 nhận được nhiều quan tâm của người tiêu dùng. Ngày 13/08/2022, phía Ban giám đốc chuỗi siêu thị kết nối yêu thương Vilco Mart24h - thuộc Công ty CP Tập đoàn đầu tư kết nối yêu thương Việt Nam do ông ĐINH TRỌNG VỸ ký thông báo trả lời gửi đến Thương hiệu & Công luận về việc hàng hoá, sản phẩm không tem nhãn.
Theo nội dung thông báo: “Theo phản ánh của Báo Thương hiệu & Công luận ngày 12/08/2022 tại Siêu thị Kết nối yêu thương Vilco Mart24h địa chỉ 2 khu phố Tiến Bào, phường Phù Khê, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh về vấn đề nhiều sản phẩm, thực phẩm được bày bán trong hệ thống siêu thị chưa được rà soát, hoàn thiện hết về thông tin xuất xứ, tem nhãn, hạn sử dụng, tem nhãn phụ tiếng Việt… gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của toàn bộ hệ thống Siêu thị Vilco Mart24h. Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư kết nối yêu thương Vilco Mart24h toàn bộ giám đốc chuỗi Siêu thị kết nối yêu thương Vilco Mart24h trên toàn quốc phải thực hiện cam kết theo tiêu chí và hợp đồng hai bên đã ký kết”.
Đồng thời, trên facebook VILCO MART24H, công ty này cũng đã thừa nhận về hàng hoá sản phẩm của mình bị lỗi và làm công văn giải trình:
“Đầu tiên xin lỗi vì sự cố quản lý không tốt mới để trình trạng này xảy ra sự việc như trên. Thứ hai là biết ơn bên báo đã phản ảnh và góp ý cho VILCOGROUP để càng ngày càng phục vụ tốt hơn nữa. Thứ ba, siêu thị mới khai trương nên mọi việc đang Setup chưa được kiện toàn. Thứ tư, còn về việc tại sao có những sản phẩm như trên mà Thương hiệu và Công luận phản ảnh như vậy là vì một số mặt hàng nhập từ Hàn Quốc giấy tờ đầy đủ kể cả có tem phụ nữa những chưa dán kịp ngoài ra còn hơn chục hộp đồ đông lạnh là của người nhà làm gửi vào vừa để gia đình ăn vừa để bán, tem cũng có sẵn hết nhưng vì làm tem bằng chất liệu giấy khi dán vào rồi để trong tủ đông bị tróc hết nên phải cho in lại tem bằng chất liệu nilon. Còn siêu thị ở Hà Nội là đang trong quá trình Setup chưa khai trương. Một lần nữa VILCOGROUP xin đại diện cho Giám Đốc chi nhánh siêu thị tại Bắc Ninh xin lỗi vì sự cố này. VILCOGROUP hứa sẽ khắc phục ngay lập tức không còn để trình trạng này xảy ra nữa.”
Liên quan đến vấn đề nêu trên, theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh, đơn vị này đã tiến hành kiểm tra, xử lý siêu Vilco Mart 24h cơ sở Bắc Ninh về vấn đề hàng hoá và quyết định ra văn bản xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật.
Được biết, hệ thống siêu thị Vilco Mart24h thuộc quyền sở hữu của CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN ĐẦU TƯ KẾT NỐI YÊU THƯƠNG VIỆT NAM (địa chỉ: 17/2 Hà Huy Giáp, Phường Thạnh Lộc, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh) do ông Đinh Trọng Vỹ là người đại diện pháp luật. Hiện nay, hệ thống cửa hàng này có 11 cơ sở nằm trên địa bàn các tỉnh Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hoá, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng và Bắc Ninh.
Về vấn đề nêu trên, chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội ý kiến: “Việc siêu thị đổ lỗi cho nhà cung ứng cũng có thể đúng như có nhà cung ứng cẩu thả, nhà cung ứng gian dối… Tuy nhiên chúng ta phải bóc trần: Có khi nhà cung ứng không chịu chi cho siêu thị nên người ta phải bóc hàng hoá, bóc bao bì không làm bao bì nữa, không dán tem để đỡ mất tiền, hạ giá để khi siêu thị ép còn có cớ mà đặt giá hợp lý để có lãi. “Những nhà cung ứng vào được siêu thị là những nhà cung ứng chịu chi… nếu họ không chịu chi bắt đầu làm dối làm giả cho nên lỗi, trong đó có cả lỗi của cả siêu thị. Tức là khuyết điểm của siêu thị dẫn đến khuyết điểm của mình”, ông Phú nhấn mạnh.
“Lỗi đầu tiên là siêu thị, siêu thị đó phải kiểm tra khâu hàng hoá. Còn nhà cung cấp sẽ có người xử lý. Bên nhà cung ứng giả dối sẽ xử lý nhà cung ứng nhưng bên siêu thị phải chịu trách nhiệm nếu thông đồng. Chứ không thể đổ lỗi cả hai cái cùng một lúc trong việc này. Mà siêu thị trách nhiệm chính”, ông Phú chia sẻ.
Lê Pháp – Minh An