Các định hướng chủ yếu của quá trình chuyển đổi năng lượng Việt Nam bao gồm: (1) Không phát triển các nguồn nhiệt điện than mới sau năm 2030, thực hiện chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy nhiệt điện than hiện có sang biomass hoặc amoniac trước năm 2050; (2) Phát triển các nguồn điện chạy khí (trong đó có LNG) ở quy mô phù hợp nhằm tránh rủi ro vền guồn cung và giá cả trên thị trường thế giới, đồng thời chuyển dịch dần từ việc sử dụng khí thiên nhiên phát điện sang hydro trước 2050;(3) Tập trung phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, tăng mạnh tỷ trọng điện sinh khối, thủy điện tích năng và pin lưu trữ… Đặc biệt khuyến khích các nguồn tự sản xuất, tự tiêu thụ; (4) Ứng dụng các loại hình công nghệ phát điện sử dụng hydro xanh, amoniac xanh; tự sản xuất hydro và amoniac bằng các nguồn điện gió, điện mặt trời nội địa. Đồng thời Chín phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh mục tiêu tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế thông qua chuyển đổi nền kinh tế mạnh mẽ theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Tại hội thảo kinh tế cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An lưu ý tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc hợp tác nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ năng lượng trên phạm vi toàn cầu (đặc biệt là công nghệ sản xuất điện năng quy mô lớn từ các nguồn năng lượng sơ cấp mới như hydro, amoniac, công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến, công nghệ hấp thụ và lưu trữ CO2…, đồng thời phải nâng cao nhận thức về tính cấp bách của việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, bắt đầu trước hết từ các ngành sử dụng nhiều năng lượng.
“Theo đó, định hướng phát triển năng lượng và Chương trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam trong những năm tới mang đến cơ hội hợp tác rất lớn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp năng lượng nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản” - Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh. Đồng thời nhận định, Nhật Bản là quốc gia có tiềm lực mạnh về khoa học – công nghệ và công nghệ năng lượng, có ngành cơ khí chế tạo phát triển ở trình độ cao, trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có nhu cầu điện/nhu cầu năng lượng tăng nhanh và đang có kế hoạch chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ.
Khẳng định Nhật Bản đã giúp đỡ Việt Nam một cách có hiệu quả trong phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng từ nhiều năm nay, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, giai đoạn sắp tới, trong quá trình chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ, tiềm năng hợp tác về năng lượng của hai bên sẽ có rất nhiều không gian để phát triển, đặc biệt là trong khuôn khổ cộng đồng phát thải ròng bằng 0 Châu Á (AZEC) mà Nhật Bản là quốc gia khởi xướng.
Cũng đánh giá cao về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, phía Nhật Bản cho biết, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nên có nhu cầu rất lớn về năng lượng. Trong khi đó, Việt Nam cũng có nhu cầu dich chuyển sang nguồn năng lượng sạch, đây lại là những lĩnh vực phía Nhật Bản có nhiều ưu thế, do vậy cơ hội hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực năng lượng là rất lớn.
Ông Ichikawa Hideo, đồng Chủ tịch KEIDANREN cho rằng, mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, trở thành mối quan hệ hữu hảo, mật thiết; đồng thời đánh giá cao những kết quả đạt được của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội với những thành tựu vững chắc; có nền chính trị ổn định, dân số đông.
Trải qua 20 năm thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã mang lại những thành tựu quan trọng; thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực… Ông Ichikawa Hideo khẳng định, KEIDANREN sẽ tiếp tục tham gia tích cực trong việc thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, nỗ lực hướng tới sự phát triển sâu sắc giữa hai nước trong thời gian tới.
Minh Anh (t/h)