THCL - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Trần Văn Chung cho rằng, tâm lý cả nể, buông lỏng quản lý cũng làm hạn chế công tác xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.

Còn tâm lý cả nể, buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm - Hình 1

Ảnh minh họa

Chiều 19/1, chủ trì Hội nghị đánh giá công tác an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2016, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, kết quả thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại cơ sở, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, cần thêm nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả hơn để bảo vệ sức khoẻ của người dân.

Theo Sở Y tế, triển khai thực hiện Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại TP. Hà Nội, tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường, thị trấn, lực lượng này đã thanh tra, kiểm tra hơn 3.500 cơ sở, trong đó xử lý vi phạm 786 cơ sở và phạt tiền 371 cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 1,16 tỷ đồng với các lỗi vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định; không có giấy khám sức khoẻ định kỳ; không rõ nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, không bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất, chế biến…

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, việc có thêm lực lượng thanh tra chuyên ngành ở cấp cơ sở đã tăng cường công tác quản lý ATTP đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền.

Các quận, huyện cho rằng, thanh tra chuyên ngành ATTP có hiệu quả và cần phải duy trì và mở rộng. Tuy vậy, một trong những khó khăn vướng mắc đã được phản ánh tại hội nghị đó là lực lượng chuyên trách về ATTP còn mỏng nên gây khó khăn, thách thức không nhỏ cho việc quản lý ATTP trên địa bàn.

Phó giám đốc Sở Y tế cũng cho biết, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm ở phường xã chủ yếu là nhỏ lẻ, thường xuyên biến động; chưa kể vẫn tồn tại nhiều chợ tạm, chợ cóc… Bên cạnh đó, tâm lý cả nể  cũng làm hạn chế công tác xử lý vi phạm. Cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ thanh tra vẫn phải đảm nhận nhiều việc cùng lúc nên việc tổ chức các cuộc thanh tra chuyên ngành ATTP sẽ khó diễn ra thường xuyên.

Cán bộ đều đã được tập huấn, cấp chứng chỉ thanh tra, nhưng thời gian tập huấn còn ngắn, kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế, nên còn sự e ngại; việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ quả, thịt tại các chợ cóc, thức ăn đường phố còn gặp nhiều khó khăn.

Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong đánh giá cao sự quan tâm, sát sao của thành phố đối với lĩnh vực ATTP. Theo ông Phong, những kết quả bước đầu trong việc triển khai lực lượng Thanh tra chuyên ngành ATTP ở cấp cơ sở là đáng ghi nhận.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, công tác ATTP luôn là vấn đề nhạy cảm, bức xúc trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, có lúc, có nơi vẫn còn dấu hiệu buông lỏng trong quản lý ATTP. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các quận, huyện cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Việc thanh tra, kiểm tra cũng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục dưới nhiều hình thức và mọi thời điểm trong ngày.

“Năm 2017, lãnh đạo thành phố sẽ cùng chính quyền địa phương tìm ra những cách làm sáng tạo hơn với mục tiêu hàng đầu là đảm bảo sức khoẻ của người dân”, Phó chủ tịch UBND TP khẳng định.

Theo ANTĐ