Công tác thống kê bộ, ngành: Nhiều hạn chế, bất cập - Hình 1

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị thống kê 2018

Một số kết quả đạt được

Thông tin thống kê của các bộ, ngành cùng với thông tin của hệ thống thống kê tập trung là nguồn thông tin chính thống, có tính pháp lý, là cơ sở để đánh giá, phân tích, dự báo tình hình kinh tế - xã hội cả nước và của từng ngành, lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng sử dụng thông tin khác trong và ngoài nước. Đây cũng là bộ phận cấu thành quan trọng của Hệ thống thống kê Nhà nước.

Đến nay, đã có 22 bộ, ngành ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, trong đó 15 bộ, ngành hoàn thành rà soát, hoàn thiện và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê để đồng bộ với Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia mới được quy định trong Luật Thống kê 2015.

Ngoài ra, có 21 bộ, ngành ban hành chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành, trong đó 11 bộ, ngành đã rà soát, cập nhật, ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành phù hợp với Luật Thống kê 2015 và hệ thống chỉ tiêu thống kê mới của bộ, ngành.

Phát biểu tại Hội nghị thống kê bộ, ngành năm 2018, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, Luật Thống kê 2015 quy định 186 chỉ tiêu thống kê quốc gia, trong đó 79 chỉ tiêu phân công cho 21 bộ, ngành chủ trì thu thập, tổng hợp. Tuy nhiên các bộ, ngành mới thu thập và báo cáo được 34 chỉ tiêu, còn 29 chỉ tiêu đã thu thập nhưng chưa báo cáo và còn 16 chỉ tiêu chưa thực hiện.

“Trong số 16 chỉ tiêu chưa thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 3 chỉ tiêu, Bộ Nội vụ 1 chỉ tiêu, Bộ Tư pháp 2 chỉ tiêu, Bộ Tài chính 1 chỉ tiêu, Bộ Công thương 1 chỉ tiêu, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch 1 chỉ tiêu, đặc biệt Thanh tra Chính phủ có tới 6 chỉ tiêu”, Phó thủ tướng nói.

Cũng theo Phó thủ tướng, đối với việc xây dựng, sửa đổi hệ thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo thống kê được các bộ, ngành quan tâm thực hiện. Đến nay 15 bộ, ngành đã sửa đổi, ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành mới và 11 bộ, ngành ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành phù hợp với Luật Thống kê. Tuy nhiên, hầu hết các bộ, ngành chưa ban hành phân loại thống kê mới. Đáng nói, tính đến thời điểm hiện nay, có 2 bộ vẫn chưa lập phòng thống kê theo quy định là Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ.

Bên cạnh đó, sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa thống kê bộ, ngành và Tổng cục Thống kê ngày càng được quan tâm và đi vào thực chất hơn. Đến nay, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã trực tiếp ký Quy chế phối hợp và chia sẻ thông tin với 8 bộ, ngành. Sự phối hợp, chia sẻ này, đã và đang tạo thành mạng lưới thông tin thống kê thông suốt, từng bước bảo đảm tính thống nhất giữa số liệu của Tổng cục Thống kê và số liệu của các bộ, ngành, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng thống kê.

Đồng thời, các bộ, ngành cũng đã quan tâm, chú trọng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thu thập, tổng hợp, xử lý, phân tích và phổ biến thông tin. Hầu hết các bộ, ngành đều có trang thông tin điện tử; một số bộ, ngành xây dựng các đề án ứng dụng công nghệ thông tin. Việc ứng dụng công nghệ thông tin làm cho công tác thống kê tại bộ, ngành ngày càng hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian cập nhật dữ liệu, tiết kiệm nhân lực và chi phí.

Còn tồn tại những bất cập

Công tác thống kê bộ, ngành: Nhiều hạn chế, bất cập - Hình 2

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đã chỉ ra những hạn chế, bất cập còn tồn tại trong công tác thống kê bộ, ngành.

Thứ nhất, việc xây dựng, ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo thống kê của một số bộ, ngành còn chậm, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với Luật Thống kê 2015. Một số báo cáo của bộ, ngành gửi về Tổng cục Thống kê, không bảo đảm phạm vi số liệu và thời gian quy định.

Thứ hai, nhiều bộ, ngành chưa thu thập, tổng hợp đầy đủ thông tin các chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công, gây khó khăn trong quá trình biên soạn và phổ biến Niên giám Thống kê quốc gia. Một số chỉ tiêu tên gọi giống nhau, nhưng do cách thức thu thập thông tin, phạm vi tính toán không thống nhất giữa cơ quan quản lý và Tổng cục Thống kê dẫn đến kết quả khác nhau, gây khó khăn cho người sử dụng.

Thứ ba, tiến độ thực hiện một số hoạt động trong Chiến lược phát triển Thống kê thuộc lĩnh vực được phân công vẫn chậm so kế hoạch như hoạt động rà soát, cập nhật, xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành...

Thứ tư, một số bộ, ngành chưa xây dựng, ban hành quy chế phổ biến thông tin thống kê và lịch phổ biến thông tin thống kê thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Việc công bố, phổ biến rộng rãi ra công chúng đối với một số chỉ tiêu thống kê còn gặp khó khăn do các quy định về bảo mật.

Thứ năm, hoạt động phối hợp, chia sẻ thông tin thống kê, nhất là sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn hạn chế dẫn đến một số bộ, ngành khi tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu được phân công liên quan đến bộ, ngành khác gặp khó khăn về nguồn thông tin (còn trên 50% số bộ, ngành chưa ký quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin với Tổng cục Thống kê).

Thứ sáu, công tác phân tích và dự báo thống kê của bộ, ngành còn yếu, chưa được tiến hành thường xuyên; số lượng và chất lượng sản phẩm phân tích, dự báo còn hạn chế. Năng lực và nhân lực làm công tác phân tích, dự báo chưa đáp ứng yêu cầu; việc phân tích và dự báo chủ yếu theo một số phương pháp thống kê truyền thống, trong khi các phương pháp hiệu quả hơn như sử dụng mô hình hồi quy, phân tích đa nhân tố, phần mềm dự báo ít được sử dụng.

Thứ bảy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê còn thiếu đồng bộ. Các cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành vẫn trong tình trạng rời rạc, ít cập nhật, chưa tích hợp chung thành một hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất của ngành, chưa tương xứng với khối lượng công việc phải thực hiện, gây khó khăn trong khâu thu thập, xử lý và lưu trữ thông tin, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng báo cáo và công tác phổ biến, chia sẻ thông tin thống kê.

Thứ tám, tổ chức thống kê và công chức làm công tác thống kê của nhiều bộ, ngành chưa được quan tâm đúng mức; nhân lực làm thống kê còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Phần lớn công chức làm thống kê kiêm nhiệm, công việc được giao ở nhiều lĩnh vực nên không tập trung vào nghiệp vụ thống kê…

Vì vậy, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: “Cần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của xã hội; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để hệ thống thống kê bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương hoạt động đồng bộ, thống nhất; khẩn trương thu thập, tổng hợp chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công”...

Phan Chinh