Công ty CP Giấy và bao bì Đông Đô: Có xả thải “đầu độc” sông Bùi, sông Đáy? - Hình 1

Sản xuất ở Hòa Bình, xả thải ô nhiễm thẳng sang... Hà Nội?

Toạ lạc và vận hành sản xuất trên phần diện tích đất của thôn Đồng Xương, xã Thành Lập (Lương Sơn, Hoà Bình), nhưng toàn bộ hệ thống cống xả nước thải của Nhà máy Giấy Ba Nhất lại được đặt để xả trực tiếp ra kênh mương nội đồng của thôn Mỹ Lương, xã Mỹ Lương (Chương Mỹ, Hà Nội)?

Người dân phản ánh, kể từ khi đi vào hoạt động, nhà máy liên tục xả khí thải, nước thải độc hại ra môi trường. Mỗi khi nhà máy sản xuất và xả thải, nước trong nhiều cống xả của nhà máy được xả trực tiếp xuống mương, khu vực nội đồng của thôn Mỹ Lương; mỗi lần xả, bọt sủi trắng xoá phủ kín cả mặt kênh, bốc mùi tanh nồng của hoá chất, rất khó chịu.

Nước thải của nhà máy được xả xuống kênh nội đồng, sau đó chảy vào suối dẫn ra sông Bùi, từ sông Bùi tiếp tục chảy ra sông Đáy. Người dân cho biết, họ thường chọn thời điểm ít người đi làm đồng, không quan sát thấy để xả thải, đặc biệt rất hay xả vào những lúc trời mưa to, gió lớn, sáng sớm/sẩm tối hoặc xả vào ban đêm. Nếu tình trạng này không được xử lý triệt để, chẳng mấy chốc, nước sông Bùi và sông Đáy sẽ không khác gì nước sông Tô Lịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của cư dân vùng hạ lưu các con sông.

Công ty CP Giấy và bao bì Đông Đô: Có xả thải “đầu độc” sông Bùi, sông Đáy? - Hình 2Công ty CP Giấy và bao bì Đông Đô: Có xả thải “đầu độc” sông Bùi, sông Đáy? - Hình 3
Nước thải được xả trực tiếp ra kênh mương nội đồngKhi dừng xả thải, mương nước có màu đen như nước sông Tô Lịch


Trao đổi với PV, bà N.T.H, cư dân thôn Mỹ Lương đang chăm sóc lúa tại thửa ruộng khu vực sát cạnh nhà máy, cho biết: Nếu làm đồng vào những lúc nhà máy xả thải thì mùi không thể ngửi được. Có buổi, chúng tôi đi cấy sớm, nhưng không thể cấy nổi, do mùi nước thải từ phía nhà máy gây ra.

Trước đây, khi bờ kênh nội đồng thấp, nước thải của nhà máy chảy tràn khắp đồng ruộng của các hộ dân thôn Mỹ Lương, gây táp lúa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của bà con. Sau này, bờ kênh dẫn nước thải của nhà máy giấy được đắp cao thì đã đỡ hơn, nhưng vào những lúc mưa lớn, hoặc khi nhà máy xả nhiều, nước trong kênh dâng cao, nước thải của nhà máy vẫn thường chảy tràn vào mương tưới tiêu và ruộng của các hộ dân lân cận.

Xả “trộm” khi vắng người qua lại?

Nhằm "mục sở thị" hoạt động xả thải gây ô nhiễm của Nhà máy Giấy Ba Nhất, PV đã chọn những thời điểm theo hướng dẫn của người dân địa phương để khảo sát và thu thập chứng cứ.

Đúng như phản ánh, khi có mặt tại khu vực xả thải của nhà máy lúc 16h30 ngày 30/3/2017, PV đã được tận mắt chứng kiến lượng lớn nước thải mầu xám đục, bốc mùi nồng nặc từ ống nhựa trong tường của nhà máy chảy xối xả, kết bọt trắng xoá đổ thẳng ra kênh.

Công ty CP Giấy và bao bì Đông Đô: Có xả thải “đầu độc” sông Bùi, sông Đáy? - Hình 4

Công ty CP Giấy và bao bì Đông Đô: Có xả thải “đầu độc” sông Bùi, sông Đáy? - Hình 5

Công ty CP Giấy và bao bì Đông Đô: Có xả thải “đầu độc” sông Bùi, sông Đáy? - Hình 6

 Nước thải tại các cống xả có mầu khác nhau, bốc mùi nồng nặc

Đặc biệt, 11h sáng ngày hôm sau (31/3/2017), trời mưa lớn, có mặt tại khu vực xả thải, PV đã bắt gặp hoạt động xả thải đồng loạt, có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng về môi trường của nhà máy. Nước thải của nhà máy được xả “hết công suất” thông qua 3 cống thoát nước thải lớn nhỏ khác nhau (1 ống cống nhựa và 02 ống cống bê tông), mỗi ống cống lại có 1 màu khác nhau (đen, xám đục và vàng). Bằng mắt thường, có thể thấy, nước thải của nhà máy được xả ra môi trường chưa được xử lý đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa được xử lý triệt để

Ông Nguyễn Văn Hoa, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lương khẳng định: Người dân địa phương đã nhiều lần có ý kiến về hoạt động xả thải gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân của Nhà máy Giấy Ba Nhất. Việc này được ghi nhận qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, chuẩn bị cho các kỳ họp hội đồng nhân dân cấp huyện, xã.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri tại huyện Chương Mỹ của Đoàn đại biểu Quốc Hội TP. Hà Nội tháng 8/2016, cử tri tiếp tục phản ánh và kiến nghị xử lý việc gây ô nhiễm của nhà máy. Sau hội nghị, đoàn liên ngành của huyện đã về tổ chức kiểm tra và phân tích mẫu nước, nhưng kết quả mẫu nước là... đảm bảo (?!).

Tuy nhiên, trên thực tế, nhà máy thường xả trộm vào các thời điểm ít người qua lại. Xã Mỹ Lương cũng đã 2 lần trực tiếp vào làm việc với nhà máy, đồng thời đã mời đại diện nhà máy ra UBND xã làm việc để đề nghị thực hiện nghiêm các cam kết bảo vệ môi trường trong sản xuất và xả thải.

Làm việc với PV, ông Nguyễn Đình Mạnh, Chủ tịch UBND xã Thành Lập cho biết: Năm 2015, Nhà máy Giấy Ba Nhất đã bị UBND huyện ra quyết định xử phạt hành chính về vi phạm pháp luật về môi trường. Năm 2016, xã Thành Lập đã nhận được văn bản đề nghị kiểm tra, xử lý của UBND xã Mỹ Lương về việc xả thải gây ô nhiễm của Nhà máy Giấy Ba Nhất.

Công ty CP Giấy và bao bì Đông Đô: Có xả thải “đầu độc” sông Bùi, sông Đáy? - Hình 7

 Phế liệu tận thu để ngổn ngang không cần che phủ trong khuôn viên nhà máy

Công ty CP Giấy và bao bì Đông Đô: Có xả thải “đầu độc” sông Bùi, sông Đáy? - Hình 8

Một góc khu bể nước thải phía trong nhà máy

Nhà máy Giấy Ba Nhất từng nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Hoà Bình năm 2012 - cần xử lý; tuy nhiên, đến nay vẫn đang hàng ngày tiếp tục xả thải “đầu độc” sông Bùi, sông Đáy, gây bất bình trong dư luận.

Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình nhanh chóng vào cuộc, thanh kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) trong việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường tại cơ sở này.

TH&CL sẽ tếp tục thông tin tới bạn đọc.

Dương Tú