Ngay từ những ngày đầu năm 2021, thực hiện chủ đề “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, Công ty đã triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của EVN và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc giai đoạn 2021 - 2022, đẩy nhanh điện tử hoá hệ thống điện, chương trình tự động hoá lưới điện một cách quyết liệt.
PC Hưng Yên đã thực hiện chuyển đổi số hợp đồng mua bán điện cho hơn 307,1 nghìn khách hàng; tăng cường công tác đào tạo nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ công nhân viên, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị để bảo đảm thành công chuyển đổi số; xây dựng củng cố và nâng cao năng lực đội ngũ công nghệ thông tin…
Bên cạnh đó, trong số 13 TBA 110kV Công ty quản lý vận hành, đã có 12 TBA 110kV được triển khai vận hành theo mô hình TBA 110kV không người trực.
Ông Ngô Thế Tuyển, Phó giám đốc PC Hưng Yên cho biết: Công tác vận hành hệ thống TBA không người trực đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong công tác vận hành, điều hành lưới điện thông qua hệ thống SCADA tại Trung tâm điều khiển xa tới các TBA 110kV. Cụ thể, hệ thống này giúp giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị, rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố trạm biến áp...
Từ đó, giảm tối đa nhân lực vận hành, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí vận hành hệ thống, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và bảo đảm vận hành lưới điện an toàn, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý vận hành và giảm tổn thất điện năng. Mô hình TBA không người trực là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện chương trình hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện theo Đề án “Phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với Trung tâm Điều khiển xa, khi đưa hệ thống SCADA vào vận hành đã hỗ trợ các điều độ viên phát hiện sự cố kịp thời/nhanh chóng và chính xác các vị trí bị sự cố (hiển thị trên phần mềm với 3 mức cảnh báo, đồng thời có chuông báo động tại các TBA 110kV), từ đó kịp thời báo cáo cấp trên để điều hành xử lý sự cố theo quy định, bảo đảm chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện.
Ngoài ra, khi theo dõi qua hệ thống SCADA, các nhân viên trực vận hành có thể kiểm soát được chính xác các thông số kỹ thuật vận hành thực tế trên lưới điện như điện áp, dòng điện, công suất… để điều hành việc duy trì nguồn điện an toàn, liên tục và ổn định trên lưới điện, đặc biệt trong các thời gian cao điểm. Khi xảy ra sự cố, các thông tin sự cố như vị trí sự cố, nguyên nhân sự cố, thời gian, kế hoạch xử lý sự cố, thời gian khôi phục lưới điện…đều được đồng bộ, cập nhật kịp thời từ hệ thống SCADA sang hệ thống “Quản lý lưới điện OMS”, từ đó hệ thống sẽ nhắn tin thông báo tới các khách hàng bị gián đoạn cấp điện, giúp nâng cao độ hài lòng khách hàng sử dụng điện.
Trong thời gian qua, PC Hưng Yên đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Bằng sự chủ động đi tắt đón đầu, Công ty đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và triển khai đồng bộ các giải pháp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, như: Sử dụng hiệu quả các thiết bị (amera ảnh nhiệt, máy ảnh siêu zoom, thiết bị đo kiểm tra độ phóng điện cục bộ - Ultra TEV Plus 2); phát huy và nâng cao hiệu quả vận hành của Trung tâm điều khiển xa; triển khai xây dựng lưới điện thông minh, sửa chữa điện hotline… nhằm góp phần giảm sự cố lưới điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Bên cạnh đó, Công ty đẩy mạnh việc thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử đo xa thu nhận dữ liệu từ xa; hoàn thành số hóa hợp đồng mua bán điện với khách hàng trong năm 2021; hợp tác với các đối tác trung gian, các ngân hàng tăng cường tuyên truyền về các hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, nhất là trong những thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp…
Từ những kết quả đạt được, khắc phục mọi khó khăn thách thức của quá trình số hóa dữ liệu đầu vào, trong thời gian tới PC Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình chuyển đổi số của toàn ngành và qua đó, mang lại hiệu quả thiết thực góp phần hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cấp trên giao.
Thế Dũng