Hiện nay, PC Nghệ An đang quản lý 973.298 khách hàng. Trong đó khách hàng sinh hoạt là 870.455, chiếm 89,4%, khách hàng cơ quan, doanh nghiệp là 102.843, chiếm 10,6%.

Phòng kiểm định công tơ tại Công ty Điện lực Nghệ AnPhòng kiểm định công tơ tại Công ty Điện lực Nghệ An

Kết quả thu tiền điện hàng năm của PC Nghệ An đều đạt ở mức rất cao. Nhằm tăng tính tiện ích cho khách hàng và giúp nâng cao năng suất lao động, từ năm 2019, ngành điện đã triển khai việc thu hộ tiền điện qua các ngân hàng. Về phương thức thanh toán, khách hàng có nhiều lựa chọn cho việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.

Cụ thể, PC Nghệ An đã ký kết hợp tác thu hộ tiền điện với 6 ngân hàng trên địa bàn là: BIDV, Agribank, Vietcombank, VietinBank, Techcombank, HDBank và các tổ chức trung gian thu hộ như ECPAY, Bưu điện Nghệ An, Viettel, Payool, và qua trang web chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Qua đó, khách hàng có thể thanh toán tiền điện dưới nhiều hình thức như trích nợ tự động, Internet banking, SMS& Mobile banking, ví điện tử, thẻ ATM, ủy nhiệm chi, tiền mặt, hay qua trang web của trung tâm chăm sóc khách hàng... Tỉ lệ hóa đơn và doanh thu tiền điện qua ngân hàng, tổ chức trung gian tăng mạnh qua các năm.

Cuối năm 2019, PC Nghệ An đã phối hợp với đơn vị thu hộ ECPAY triển khai thu thêm khách hàng thuộc khu vực Hưng Nguyên, Nghi Lộc và Yên Thành. Đồng thời phối hợp với Viettel cử người phối hợp thu ngân viên ngành điện tại các điểm thu tiền của ngành điện để giới thiệu và hướng dẫn cho khách hàng thanh toán tiền điện qua Viettelpay. Chuyển các bàn thu tiền mặt của ngành điện về các điểm giao dịch của Viettel thuận tiện cho khách hàng thanh toán tiền điện.

Theo nhận định của PC Nghệ An, khó khăn trong việc triển khai thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đó là khách hàng nông thôn nhiều, điểm giao dịch còn ít. Các địa chỉ giao dịch của ngân hàng và tổ chức trung gian chủ yếu tập trung ở các khu vực thành phố, thị xã, thị trấn.

Một số đối tác trung gian chủ yếu triển khai việc thu tiền bằng tiền mặt (ECPay, VNPost…). Việc phối hợp với các cơ quan, ban ngành trong việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt còn gặp nhiều khó khăn; chưa có nhiều chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng khách hàng thuộc khu vực nông thôn, miền núi.

Thời gian tới, PC Nghệ An sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống hạ tầng, phát triển các ứng dụng công nghệ trong thanh toán tiền điệnThời gian tới, PC Nghệ An sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống hạ tầng, phát triển các ứng dụng công nghệ trong thanh toán tiền điện

Tính đến ngày 31/12 /2019, tổng số khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt là hơn 53.892, chiếm trên 5,79% số khách hàng toàn công ty (kế hoạch Tổng công ty Điện lực miền Bắc giao năm 2019 là 425.665 khách hàng, tỷ lệ 44,72%).

"Thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương của Chính phủ, của UBND tỉnh Nghệ An và là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Để tạo sự lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng, PC Nghệ An đã tổ chức thông báo cho khách hàng sử dụng điện biết thời điểm chính thức triển khai thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt; giao chỉ tiêu cho từng cán bộ, nhân viên trong toàn công ty và gắn chỉ tiêu, trách nhiệm thực hiện đến từng đơn vị" - ông Nguyễn Xuân Lợi - Phó Giám đốc PC Nghệ An chia sẻ.

Thời gian tới, PC Nghệ An sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống hạ tầng, phát triển các ứng dụng công nghệ trong thanh toán tiền điện.

Đồng thời, phối hợp với các ngân hàng, tổ chức trung gian đẩy mạnh truyền thông, quảng bá nhằm phát triển khách hàng sử dụng các hình thức trích nợ tự động, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.

Có thể thấy rằng, thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng tất yếu cho sự phát triển của xã hội khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa và phát triển mạnh mẽ. Nắm bắt xu hướng này, PC Nghệ An và các đối tác, đơn vị trực thuộc đang không ngừng nâng cao chất lượng trong công tác sản xuất, kinh doanh, cung cấp các giải pháp tốt nhất để phục vụ khách hàng sử dụng điện.

Mạnh Hùng