Vi phạm Luật Báo chí
Cụ thể, dù đã tiếp nhận thông tin phản ánh của phóng viên Tạp chí Thương hiệu và Công luận về việc nhiều siêu thị Bách hóa XANH trên địa bàn TP. HCM bày bán ra thị trường những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không tem mác và quá hạn sử dụng…, có dấu hiệu vi phạm những quy định của pháp luật; cùng Giấy giới thiệu đặt lịch làm việc vào ngày 25/3/2022, nhưng gần hai tháng sau (ngày 11/5/2022), phía Cục Quản lý thị trường TP. HCM mới chính thức có thông tin trả lời báo chí về sự việc này.
Theo đó, trước thông tin Thương hiệu và Công luận phản ánh về việc nhiều siêu thị Bách hóa XANH trên địa bàn TP. HCM bày bán sản phẩm Nho đen nhập khẩu Mỹ, Nam Phi, nhưng trên bao bì không có tem nhãn mác, không có hạn sử dụng; Sản phẩm tắm gội Be Love quá hạn sử dụng; Trên nhãn phụ của các loại Rượu nhập khẩu ghi thông tin không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng… (phóng viên khảo sát nhiều ngày (trong tháng 03/2022), tại nhiều siêu thị Bách hóa XANH trên địa bàn TP. HCM), phía Cục Quản lý thị trường TP. HCM cho biết:
“Từ thông tin của phóng viên Tạp chí Thương hiệu và Công Luận cung cấp đối với siêu thị Bách hóa XANH trên địa bàn Thành phố, Cục Quản lý thị trường Thành phố đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường địa bàn thẩm tra, xác minh; Nay thông tin đến Tạp chí được biết như sau: Qua thẩm tra, xác minh các địa điểm do Tạp chí cung cấp, các Đội Quản lý thị trường địa bàn chưa phát hiện dấu hiệu vi phạm.
Cục Quản lý thị trường Thành phố tiếp tục chỉ đạo Đội Quản lý thị trường địa bàn theo dõi, giám sát. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm sẽ báo cáo đề xuất kiểm tra và xử lý theo quy định pháp luật”.
Cũng theo Cục Quản lý thị trường TP. HCM, trong năm 2021, thời điểm dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, nguy hiểm trên địa bàn TP. HCM và các tỉnh thành phía Nam, nhu cầu mua sắm, dự trữ hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm, vật tư y tế của người dân tăng mạnh, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong thời gian thực hiện các biện pháp siết chặt giãn cách xã hội được tăng cường.
Trước tình hình đó, một số đối tượng lợi dụng nhu cầu của người dân tăng giá bán bất hợp lý, găm hàng. Cục Quản lý thị trường Thành phố đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường niêm yết thông tin đường dây nóng tại các chợ, hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm, các tuyến phố để kịp thời tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân cũng như chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng làm việc với Ban Quản lý các Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống đang hoạt động, người quản lý cửa hàng tiện lợi để phối hợp ngăn chặn và tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định đối với cá nhân mua lương thực, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi (hoặc mua hàng nông sản của thương lái các tỉnh, mua lại tiểu thương của chợ đầu mối) sau đó bày bán tại lề đường, đầu hẻm, tuyến phố gần chợ truyền thống, khu dân cư với giá cao làm ảnh hưởng đến tình hình thị trường, giá cả trên địa bàn Thành phố, gây bức xúc trong nhân dân và vi phạm quy định pháp luật về áp dụng biện pháp chống dịch.
“Riêng đối với hệ thống siêu thị Bách hóa XANH, Cục Quản lý thị trường Thành phố đã thống kê số lượng siêu thị Bách hóa XANH trên địa bàn Thành phố và tiến hành làm việc, nhắc nhở tuyên truyền hơn 300 cửa hàng Bách hóa XANH. Thông qua thông tin đường dây nóng, các Đội Quản lý thị trường cũng đã kiểm tra, làm việc với 22 cửa hàng Bách Hóa Xanh nhưng chưa phát hiện các vi phạm như phản ánh, các Đội Quản lý thị trường cũng nhắc nhở các cửa hàng nêu trên kinh doanh đúng quy định của pháp luật.
Về phối hợp liên ngành, Đoàn liên ngành giá Quận 12 có sự tham gia của Đội Quản lý thị trường số 12 kiểm tra, xử lý Cửa hàng Bách hóa XANH số 4 – An Phú Đông, số 4-6 đường An Phú Đông 1, phường An Phú Đông, Quận 12 về hành vi không niêm yết giá các sản phẩm gạo, tôm và cá, đã xử phạt với số tiền là 1.500.000 đồng.
Quy trình kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Quản lý thị trường năm 2016, đối với hành vi vi phạm bị phát hiện sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật”, Cục Quản lý thị trường TP. HCM thông tin.
Tạp chí Thương hiệu và Công luận hoanh nghênh tinh thần hợp tác, hỗ trợ, phản hồi thông tin tới cơ quan báo chí từ phía Cục Quản lý thị trường TP. HCM (dù có phần chậm trễ). Tuy nhiên, đối với nội dung phản hồi từ phía Cục, thì đông đảo bạn đọc, người tiêu dùng có phần thắc mắc, chờ câu trả lời từ phía Cục Quản lý thị trường TP. HCM, cụ thể như: Sau khi phóng viên Thương hiệu và Công luận cung cấp thông tin về hoạt động của siêu thị Bách hóa XANH trên địa bàn TP. HCM, thì cụ thể là ngày, tháng nào Cục Quản lý thị trường TP. HCM chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường địa bàn thẩm tra, xác minh? Chỉ đạo bằng miệng, hay bằng văn bản?
Bên cạnh đó, việc các Đội Quản lý thị trường địa bàn tiến hành thẩm tra, xác minh vào thời gian nào? Có Biên bản kiểm tra hay không? Bởi, trong nội dung trả lời từ phía Cục Quản lý thị trường TP. HCM gửi tới Thương hiệu và Công luận không đề cập tới.
Nếu, Cục Quản lý thị trường TP. HCM có chỉ đạo, các Đội Quản lý thị trường địa bàn tiến hành thẩm tra, xác minh ngay sau khi phóng viên Thương hiệu và Công luận phản ánh, cung cấp thông tin, thì đây là động thái kịp thời, đáng được ghi nhận. Nhưng, nếu sau vài ngày, thậm chỉ một tuần, hay một tháng sau, Cục Quản lý thị trường TP. HCM mới có chỉ đạo, và các Đội Quản lý thị trường địa bàn tiến hành thẩm tra, xác minh, mà không phát hiện vi phạm tại các siêu thị Bách Hóa XANH, thì có phần “chậm trễ” khi tiếp nhận nguồn tin cung cấp của người dân, người tiêu dùng, cơ quan báo chí…; Chưa hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Điều 39 (Luật Báo chí 2016). Trả lời trên báo chí: 1. Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí. 2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết. Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của cơ quan, tổ chức thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết hoặc đưa vấn đề đó lên báo chí. 3. Trong thời hạn 10 ngày đối với báo in ra hằng ngày và báo nói, báo hình, báo điện tử, 15 ngày đối với báo tuần, trên số ra gần nhất đối với tạp chí in kể từ khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc văn bản trả lời kiến nghị, phê bình của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với vấn đề mà báo chí nêu hoặc tiếp nhận, cơ quan báo chí phải thông báo cho cơ quan, tổ chức, công dân có ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo hoặc đăng, phát trên báo chí của mình. 4. Cơ quan, tổ chức, công dân có quyền yêu cầu cơ quan báo chí trả lời vấn đề mà cơ quan báo chí đã thông tin; cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan, tổ chức, công dân. Ngoài ra, việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính còn được quy định tại Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Cùng với đó, Luật Tiếp cận thông tin cũng quy định rất rõ về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. |
Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động nhận thiếu sót
Trước đó, trả lời Thương hiệu và Công luận về việc nhiều cửa hàng Bách hóa XANH trên địa bàn TP. HCM bày bán ra thị trường những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không tem mác và quá hạn sử dụng (như phản ánh)..., đại diện phía Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động thừa nhận: “Vì quá trình còn liên quan tới con người, nên không thể tránh khỏi một số sai sót không mong muốn ở một vài siêu thị…”.
Cụ thể, đại diện phía Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động cho biết: Với mọi hàng hóa bày bán tại Bách hóa XANH, chúng tôi luôn kiểm soát chặt chẽ đầu vào với đầy đủ chứng từ thể hiện nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và minh bạch; chất lượng sản phẩm được kiểm tra thường xuyên trước và trong khi đưa vào mua bán; đồng thời uy tín của nhà sản xuất, nhà phân phối cũng được xem xét và tái thẩm định theo định kỳ.
Trong quá trình vận hành, các mặt hàng gần đến hạn sử dụng cũng sẽ được thông báo bởi hệ thống tự động nhằm kịp thời tháo gỡ khỏi quầy và đưa vào chương trình giảm giá, song song đó là có nhân viên kiểm kê tồn kho theo quy định.
Riêng với các mặt hàng tươi sống, Bách hóa XANH còn chủ trương hàng mới mỗi ngày nên đều có chương trình giảm giá cuối ngày, tiêu hủy hàng cũ và có nhân viên kiểm tra, loại bỏ các phần kém chất lượng trước khi bày bán hàng mới.
“Tuy nhiên vì quá trình còn liên quan tới con người, nên không thể tránh khỏi một số sai sót không mong muốn ở một vài siêu thị. Chúng tôi có chính sách đổi trả hàng hóa nếu khách hàng mua về có lỗi, đặc biệt là lỗi về hạn sử dụng”, đại diện phía Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động cho hay.
Đối với các sản phẩm nhập khẩu, phía Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động khẳng định, luôn có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chất lượng. Một số sản phẩm tùy thuộc giá thành nhập vào từ nhà phân phối, các chi phí liên quan quy trình cung ứng như: vận chuyển, thời giá, hoàn cảnh… sẽ có thể dẫn đến sự khác biệt trong giá bán đầu ra giữa các sản phẩm.
“Là một doanh nghiệp bán lẻ hoạt động ở nhiều lĩnh vực trên toàn quốc, chúng tôi hiểu và đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên hàng đầu, luôn tuân thủ các quy định pháp luật và nỗ lực để kiểm soát sản phẩm bán ra bằng nhiều biện pháp.
Với tinh thần cầu thị, Bách hóa XANH liên tục đổi mới để có thể phục vụ nhiều hơn nữa cho các gia đình Việt Nam. Chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ từ người tiêu dùng cũng như quý tạp chí trong thời gian tới…”, đại diện phía Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động nhấn mạnh.
Với tôn chỉ, mục đích tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và công tác quản lý, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, buôn lậu tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân; Bảo vệ thương hiệu cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh đúng quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; Lên án hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế phát sinh những hệ lụy không đáng có cho người dân và xã hội…, Thương hiệu và Công luận kỳ vọng, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Cục Quản lý thị trường TP. HCM tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ Tạp chí Thương hiệu và Công luận trên “mặt trận” chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại,… trên địa bàn TP. HCM. |
Nguyễn Tùng - Nguyễn Trung