DA KCN và cảng nam Tiền Phong - đầm nhà Mạc (Quảng Ninh): Việc bồi thường đã thỏa đáng? - Hình 1

Ông Phạm Văn Minh và bãi đầm của HTX

Đổ công sức khai hoang

Trong đơn thư gửi Tòa soạn, ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Liên Vị 1 - đại diện cho hơn 6.000 xã viên HTX phản ánh:

HTX Liên Vị 1 là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu toàn bộ khối tải sản - được thành lập từ năm 1963 với trên 800.000 m2 đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản và các tài sản hình thành gắn liền, được xã viên bỏ công sức khai hoang, đào đắp từ các bãi bồi đầm quai đê lấn biển.

Với phương châm “Lấy ngắn nuôi dài”, các xã viên đã vận dụng nguồn nước và rừng ngập mặn, vừa bảo vệ đê điều, vừa nuôi trồng quảng canh thủy sản để bảo đảm duy trì cuộc sống; quá trình nuôi trồng ổn định, không tranh chấp với ai, phù hợp với quy hoạch của địa phương và đều hoàn thành nghĩa vụ thuế hàng năm.

Ngày 19/12/2016, UBND TX. Quảng Yên ban hành QĐ số 6459/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với một phần diện tích đất trên (455.498 m2) để triển khai thực hiện Dự án KCN và cảng nam Tiền Phong - đầm nhà Mạc. Theo đó, HTX sẽ được áp mức bồi thường, hỗ trợ 30%/22.000 đồng/m2 (6.600 đồng/m2) và các tài sản hình thành gắn liền với tổng số tiền là trên 18,5 tỷ đồng (bảng giá áp đối với đất nông nghiệp của tỉnh khi bị thu hồi và được bồi thường, hỗ trợ là 22.000 đồng/m2).

Ngày 31/3/2017, UBND các xã Tiền Phong và Liên Vị (Quảng Yên) có Bảng chứng nhận nhà, đất đối tượng bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi thực hiện dự án. Trong đó, có nội dung:

Tài sản của HTX Liên Vị 1, bao gồm đất và các công trình kiến trúc trên đất được tạo lập bằng công sức của các thành viên xây dựng từ năm 1963 đến nay.

Số lượng thành viên và số lao động chịu ảnh hưởng do việc thu hồi: 6.060; đối tượng chính sách (gia đình liệt sỹ, thương bệnh binh…): 142; nguồn gốc đất: đất khai hoang và sử dụng ổn định từ năm 1963, nộp nghĩa vụ thuế đầy đủ; nuôi trồng thủy sản phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.

Công trình kiến trúc trên đất: Toàn bộ khối bờ bao được đào đắp thủ công từ năm 1963 đến nay; các công trình kè bờ, chắn sóng và đào đắp thủ công (sức người) được tu bổ hàng năm…

DA KCN và cảng nam Tiền Phong - đầm nhà Mạc (Quảng Ninh): Việc bồi thường đã thỏa đáng? - Hình 2

Bảng chứng nhận nhà, đất

Lo “thất nghiệp” sau GPMB…

Theo ông Phạm Văn Minh: “Việc khai hoang, đào đắp từ các bãi bồi đầm quai đê, lấn biển để nuôi trồng thủy sản là công sức của hàng nghìn xã viên, trải qua nhiều thế hệ, phải đi vay ngân hàng, đầu tư nhiều công sức tiền bạc, thậm chí đã có hơn 10 xã viên phải bỏ mạng vì đuối nước và những nguyên
nhân khác mới xây dựng được như ngày hôm nay.

Chúng tôi ủng hộ chủ trương xây dựng dự án của tỉnh để thu hút đầu tư và tạo cảnh quan môi trường cho địa phương. Nhưng cũng cần phải xét đến nhiều yếu tố, tính mức bồi thường, hỗ trợ sao cho thỏa đáng, tương xứng với công sức của các xã viên, bảo đảm ổn định cuộc sống cho họ.

Sau khi dự án được triển khai, không biết hàng nghìn lao động sẽ ra sao, giải quyết công ăn việc làm cho họ như thế nào khi các xã viên không được hỗ trợ ổn định cuộc sống và chuyển đổi nghề nghiệp? Chẳng hay, căn cứ vào đâu mà tỉnh lại tính mức hỗ trợ, bồi thường như vậy? HTX phải được bồi thường 100% mức giá đất nông nghiệp (22.000 đồng/m2)”!

Ông Lê Minh Phương, Phó chủ tịch UBND xã Liên Vị cho biết, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp mà HTX Liên Vị 1 đang quản lý, được các xã viên khai hoang, đào đắp từ những năm 1960, sử dụng nuôi trồng thủy sản ổn định, đúng mục đích và hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước đầy đủ. Hàng năm, có doanh thu từ 15 - 17 tỷ đồng từ việc nuôi trồng thủy sản, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Đề nghị cấp trên xem xét bồi thường, hỗ trợ cho các xã viên sao cho thỏa đáng, phù hợp, không để người dân thiệt thòi, bảo đảm ổn định cuộc sống của họ sau GPMB.

Trao đổi với PV, ông Lê Mạnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TX. Quảng Yên cho rằng, vì HTX là tổ chức kinh tế và thuê đất của Nhà nước, có nộp thuế hàng năm để nuôi trồng thủy sản nên mức bồi thường, hỗ trợ được áp 30% giá đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, khi đề nghị cung cấp thông tin về hợp đồng cho thuê đất thì ông Tuyến “im lặng”?

Được biết, HTX Liên Vị 1 đã làm đơn khởi kiện ra TAND tỉnh về việc bồi thường, hỗ trợ theo nội dung trên.

Điều 74 Luật Đất đai 2013 ngày 29/11/2013 quy định Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất

2. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

Điều 20 Nghị định 47/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

a) Hỗ trợ bằng tiền không quá 5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi; diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương;

b) Mức hỗ trợ cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định căn cứ điều kiện thực tế của địa phương... 

Nguyễn Kiên