Sai phạm “khủng” có hệ thống
Trong thời gian qua, tại Bình Dương, hàng loạt cơ quan báo chí cũng như người dân phát hiện, phản ánh hàng loạt công trình “khủng” xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang đê điều, bức tử 2 dòng sông Thị Tính và Sài Gòn ở các xã Phú An và An Tây thuộc địa bàn Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương trong một thời gian dài, trong đó có cả công trình được cho là có liên quan tới người nhà quan chức tỉnh Bình Dương nhưng lại chưa bị xử lý triệt để, thậm chí có dấu hiệu nể nang trong việc xử lý vi phạm. Trong khi đó, chính quyền lại kêu khó vì không thể tiếp cận và xử lý triệt để các công trình.Văn phòng Chính phủ chỉ đạo kiểm tra phản ánh của báo chí đối với tỉnh Bình Dương
Mới đây, Bộ Công an cũng đã yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương cung cấp tài liệu liên quan 17 dự án bất động sản của các công ty: TNHH BĐS Phú Hồng Thịnh, TNHH TM-DV BĐS Phú Phong, TNHH quản lý đầu tư phát triển đô thị VN và CP Phú Gia Khiêm Land (đều do bà Phạm Thị Hường làm chủ); cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan Kết luận số 250/KL-UBND ngày 13.11.2014 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phân lô bán nền tại TP.Thuận An. Kết luận thanh tra đã chỉ ra 9 khu đất nông nghiệp với diện tích 101.353 m2 được nhiều cán bộ TP.Thuận An tiếp tay phân ra thành 1.059 thửa nhỏ trái quy định. Sau khi chuyển sang CQĐT để làm rõ, thì Công an tỉnh Bình Dương đã không xử lý hình sự.
Trước sự việc này, mới đây đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban dân nguyện Quốc hội cho rằng, phát ngôn và việc xử lý vi phạm về trật tự xây dựng tại Bình Dương cho thấy tinh thần thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương: “Xử lý vi phạm trật tự xây dựng cần thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Khi địa phương có công cụ pháp luật trong tay và các điều kiện để thực hiện nó mà nói khó tiếp cận hoặc khó xử lý vi phạm thì chính quyền ở đó đang làm gì?.
Văn bản của Bộ Công An
“Nói như vậy là để mặc cho tình trạng vô chính phủ trong quản lý trật tự xây dựng. Các cấp Ủy đảng, Chính quyền ăn lương nhà nước để thực hiện nhiệm vụ được giao mà phát biểu như vậy thì người dân biết lấy ai để làm chỗ dựa?. Như thế là thiếu trách nhiệm và là điều hết sức lo ngại cho vai trò quản lý của cán bộ tại địa phương”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đề cập tới vấn đề quản lý và vi phạm trật tự xây dựng nói trên, trong đó có vụ việc xảy ra tại Bình Dương, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, cần xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra vi phạm để tránh trường hợp phạt, cho tồn tại. Tôi cho rằng, những bất cập hạn chế trong vấn đề quản lý trật tự xây dựng ở đây có dấu hiệu buông lỏng quản lý, thậm chí có nơi mặc nhiên “làm lơ” cho vi phạm.
Khi so sánh vai trò quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm ở Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương ,dư luận tỏ ra băn khoăn, tại sao mỗi nơi xử lý mỗi kiểu? Về việc này, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, phải làm rõ trách nhiệm quả lý của người đứng đầu thì vi phạm về trật tự xây dựng mới được xử lý nghiêm.
“Tôi hoan nghênh thành phố Hồ Chí Minh khi Bí thư chỉ đạo, kiểm tra, xử lý vi phạm và tự nhận mình có một phần trách nhiệm khi cấp dưới làm sai. Đây tấm gương các địa phương khác cần học tập, noi theo. Luật pháp không có ngoại lệ, đặc biệt một số địa phương khác, trong đó có vi phạm trong tỉnh Bình Dương như báo chí đã nêu thì chính quyền sở tại phải có kiểm tra, báo cáo khi báo chí, người dân đăng tải. Nếu địa phương không làm được thì Thanh tra Chính phủ, Thanh tra xây dựng phải vào cuộc thanh, kiểm tra để làm rõ vi phạm và khắc phục triệt để”, Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị.
Vị Đại biểu Quốc hội cũng đưa ra cảnh báo: “Trách nhiệm để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng là do người đứng đầu xã, huyện, tỉnh, người đứng đầu trong lĩnh vực xây dựng. Nếu xảy ra vi phạm phải xử lý người đứng đầu một cách nghiêm minh. Nếu những vi phạm không được xử lý nghiêm minh, không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, vẫn nể nang, bao che, buông lỏng quản lý, thì tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở nước ta vẫn còn khó mà được xử lý triệt để. Cách xử lý vi phạm theo kiểu “mắt nhắm mắt mở” thì dẫn đến sự phản cảm, và người dân vẫn không hài lòng.
Phó Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra làm rõ thông tin sai phạm đất đai tại Bình Dương
Ngày 01/7/2020, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi UBND tỉnh Bình Dương truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc kiểm tra phản ánh của báo chí, đơn thư về vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng tại tỉnh Bình Dương.
Công văn nêu rõ, trong những ngày qua, một số báo có nhiều bài viết phản ánh các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng tại TP.Thuận An, TP.Dĩ An và thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ nhận được đơn thư do Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông chuyển đến, có nội dung phản ánh về các vi phạm nêu trên.
Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo như sau: “Yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương kiểm tra nội dung phản ánh của báo chí và đơn thư, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật. Báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/9/2020. Văn phòng Chính phủ thông báo để UBND tỉnh Bình Dương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện”.
Trước đó, nhiều cơ quan báo chí đã đăng tải tình trạng xây dựng không phép nở rộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, dọc bên 2 con sông Sài Gòn và sông Thị Tính thuộc địa bàn thị xã Bến Cát (Bình Dương) nhiều công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ đường sông Thị Tính “mọc” lên như nấm.
Trong đó, có những công trình “khủng” được đầu tư lớn làm phim trường, nhà hàng, cầu tàu, nhà thủy tạ như: Phim trường Limli ở ấp Phú Thứ, xã Phú An và nhà hàng hạng sang tên Rạch Mít ở xã An Tây thuộc thị xã Bến Cát.Được biết phần đất 9.000m2 chủ sở hữu là bà Phạm Mai Hoa
Ngoài ra, hiện khu vực này còn xuất hiện tổ hợp công trình xây dựng trên diện tích đất rộng khoảng 9.000m2. Thửa đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 19/9/2016, thuộc bản đồ tờ bản đồ số 29, thửa đất số 638. Trong đó có khoảng 2.250m2 đất thuộc hành lang bảo vệ sông và 441m2 đất đê bao. Việc mua bán khu đất này với giá rẻ bất thường bởi 0,9ha đất nhưng giao dịch chỉ 100 triệu đồng. Trong khi đó, theo giá thị trường, ước tính khu đất thời điểm đó phải có giá nhiều tỷ.
Tổ hợp công trình 9.000m2
Thông tin được biết, chủ nhân là bà Phạm Mai Hoa đứng tên sổ đỏ khu đất 9.000m2, có 3 công trình xây dựng lớn, trong đó, có công trình kiên cố một trệt một lầu. Theo quy định, đất trồng cây lâu năm, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng thì không được phép xây dựng công trình kiên cố kiểu như công trình hiện nay của bà Hoa.
Trong sổ đỏ của bà Hoa cấp năm 2016, ghi rõ 9.000m2 đất mà bà đứng tên thuộc Đất trồng cây lâu năm. Như vậy, nếu bà Hoa muốn làm công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Nhà nghỉ, lán trại cho người lao động, nhà kho để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ... thì bà Hoa phải xin chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.
Tuy nhiên, nếu bà Hoa có xin chuyển mục đích phần đất xây dựng những công trình này sang đất phi nông nghiệp, thì những "công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp" của bà Hoa cũng không nằm trong phần được miễn giấy phép xây dựng (điều 89, Luật Xây dựng 2014).
Theo người dân địa phương, bà Hoa đã tự ý cho đổ đất đá san lấp và xây kè sông. Người dân còn tiết lộ, do bà Hoa là vợ của một đồng chí lãnh đạo cao cấp của tỉnh Bình Dương, nên mới dám làm điều mà dân thường không bao giờ dám?
Trang Nguyễn