Sáng 28/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tiếp thu tại phiên họp. Ảnh: Như Ý.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tiếp thu tại phiên họp. Ảnh: Như Ý.

Nêu ý kiến, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, so với Luật Quy hoạch, dự thảo này vẫn còn quá nhiều chồng chéo. Điển hình như, ở cấp tỉnh hiện có các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành, gồm: Quy hoạch cao độ nền thoát nước mặt đô thị; giao thông; hạ tầng thoát nước thải đô thị; hạ tầng viễn thông… Các quy hoạch này có tỷ lệ 1/5.000 và 1/10.000.

“Những hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành này đều có các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành cấp quốc gia. Vậy trên địa bàn tỉnh có cần phải xây dựng các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành này riêng rẽ từng loại không?” - ông Cường nêu và cho rằng, nên gộp các công trình kỹ thuật như giao thông, điện, nước, viễn thông lại cùng nhau để tránh mâu thuẫn, chồng chéo, lãng phí.

Cùng mối quan tâm, ĐBQH Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên Huế) nhấn mạnh, về bản chất quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể quy hoạch tổng thể quốc gia. Còn quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia về tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, hạ tầng kỹ thuật.

Theo ông, nếu phân tích sâu hơn, sẽ có 10 điểm khác nhau giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị. Hai quy hoạch này có mục tiêu khác nhau. Một bên là xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội, một bên là xây dựng hình ảnh đô thị về dài hạn. Do vậy, việc tích hợp hai loại quy hoạch này là khó khả thi.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: Như Ý.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: Như Ý.

ĐBQH Hoàng Văn Cường lưu ý, phương án quy hoạch phải dựa trên cơ sở đánh giá và so sánh được dòng lợi ích và chi phí cho cả trước mắt cũng như trong tương lai. Điều này để tránh tình trạng cứ nhìn thấy đất đẹp là thành đô thị, không cần biết cơ sở nào và dựa trên dòng lợi ích nào để phát triển.

Theo ĐB, cần quy định cụ thể các nội dung quy hoạch đô thị theo định hướng mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD) để thu hút các nhà đầu tư, tạo nguồn lực phát triển hạ tầng. Tránh tình trạng đô thị đi trước, để giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân, còn Nhà nước phải đầu tư hạ tầng đi sau.

“Như thế vừa khó khăn do không có không gian dành cho phát triển hạ tầng, thậm chí Nhà nước phải bỏ tiền để giải phóng mặt bằng, bỏ tiền ngân sách đầu tư hạ tầng, còn nhà đầu tư dự án được hưởng lợi”, ông Cường nói.

Giải trình, tiếp thu các vấn đề ĐHQH nêu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, đô thị và nông thôn là các không gian lãnh thổ không thể tách rời, được tổ chức xen kẽ, được quản lý theo các cấp chính quyền.

Theo ông, dự án luật phân định rõ quy hoạch nông thôn với quy hoạch đô thị; quy định rõ các hoạt động trên địa bàn gắn kết phát triển đô thị và nông thôn, các đối tượng không gian lập quy hoạch cũng được xác định.

Nội dung quy hoạch nông thôn tập trung vào xây dựng, tổ chức phân bố dân cư nông thôn trên cơ sở đánh giá lựa chọn không gian đất đai trên toàn bộ phận ranh giới lập quy hoạch. Còn các ngành, lĩnh vực khác như nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi... theo quy hoạch của luật chuyên ngành.

Hưng Phúc(t/h)