Để đáp ứng đòi hỏi thực tiễn, yếu tố quyết định tính chuyên nghiệp của nền hành chính là đội ngũ công chức, đòi hỏi công chức phải hiểu biết và thực hiện có hiệu quả công việc được giao. Đội ngũ công chức chất lượng cao phụ thuộc rất nhiều vào việc đào tạo, bồi dưỡng của các nhà trường. Nắm bắt được nhu cầu cấp thiết đó, nhiều trường đã thực hiện các hoạt động liên kết đào tạo với các địa phương một cách "nóng vội" mà bỏ qua các quy định bắt buộc. Trường Đại học Thành Đông cũng không ngoại lệ.
Đào tạo miệng…
Trong vai những người có nhu cầu được đào tạo liên thông lên Đại học ngành Luật kinh tế, PV đã tới gặp bà Luyến (theo giới thiệu, bà Luyến đang công tác tại phòng đào tạo trường trung cấp Bách Khoa Yên Bái), để xin nộp hồ sơ học lớp luật kinh tế của trường Đại học Thành Đông.
Bà Luyến cho biết " mỗi học viên sẽ phải đóng học phí 5 triệu/kỳ cộng thêm 1,2 triệu tiền lệ phí thi, tổng là 6,2 triệu/học kỳ. Giáo viên là của trường đại học Thành Đông, họ lên họ dạy. Học viên đã học trước một kỳ rồi nhưng là học chui xong mới có văn bản của UBND tỉnh, trong lúc chờ đợi giấy tờ thì nhà trường cũng dạy được một kỳ rồi, các bạn vào sau học chỉ việc làm bài và nộp bài thôi"…
Khi thắc mắc, không biết lớp học trước này (trước khi có các văn bản chấp thuận của Bộ GD&ĐT) có được công nhận kết quả hay không? Thì bà Luyến khẳng định “khoảng 30 triệu đồng là xin được hết (công văn-PV )”. Để chứng minh bà luyến đã cho PV tiếp cận công văn đồng ý về mặt chủ trương của UBND tỉnh Yên Bái.
"Trường Thành Đông liên kết lúc đó là đào tạo bằng mồm, trường Thành Đông có lên đây tuyển sinh nhưng vì điều kiện học viên không thể về dưới trường Thành Đông học được nên phải mở lớp tại đây, Thành Đông đã liên kết với Trung cấp bách khoa Yên Bái và phải đợi bên Trung cấp Bách Khoa xin giấy tờ. Nhưng họ vẫn tiến hành giảng dạy trước, còn lúc nào có giấy tờ thì lúc đó tính sau, yên tâm là học thì sẽ được cấp bằng. Ở Văn Chấn đang học, toàn trưởng công an với phó chủ tịch xã đi học, có cả trên Tú Lệ và Mù Cang Chải cũng xuống tận Văn Chấn học mà", bà Luyến cho biết thêm.
Chưa xin phép…
Để có thông tin khách quan, PV đã có buổi làm việc với ông Lê Văn Hùng – Hiệu trưởng trường Đại học Thành Đông. Ông Hùng xác nhận "có một lớp liên thông Đại học được đào tạo tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Văn Chấn là do trung tâm liên kết đào tạo của trường tổ chức, mới là hỏi qua, tôi chưa đồng ý, việc dạy học lớp đó chưa hề báo cáo tôi, vì vậy, tôi không biết". Ông cũng thẳng thắn thừa nhận hiện nay ông chưa xin phép Bộ GD&ĐT về hoạt động liên kết đào tạo nhưng họ vẫn cứ làm…
Các PV làm việc với trường ĐH Thành Đông (ông Lê Văn Hùng – Hiệu trưởng trường Đại học Thành Đông áo xanh ngồi giữa) Ảnh: Huy Hoàng
Tuy nhiên khi phóng viên liên hệ với Ông Sơn Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Văn Chấn, ông Sơn đã một mực phủ nhận hoạt động liên kết đào tạo và khẳng định “trong thời gian vừa qua trung tâm có cho Trường Trung cấp Bách khoa của Yên Bái và Trường Đại học Thành Đông mượn cơ sở vật chất để thực hiện công tác tuyển sinh chứ Trung tâm không liên quan gì đến các vấn đề liên kết phối hợp để đào tạo…”.
Hé lộ việc 'liên kết' đào tạo
Để khẳng định những điều mình mới trao đổi là chính xác, ông Hùng đã liên hệ điện thoại với ông Thuyên hiệu trưởng Trường Trung cấp bách khoa Yên Bái, ông Thuyên trả lời thẳng thắn “Trung cấp bách khoa Yên Bái đứng ra xin văn bản của Ủy ban, bọn em xin lấy văn bản của Ủy ban xong rồi và trước đó đã học rồi…”.
Ông Hùng cũng gọi cho bà Minh (GĐ trung tâm liên kết đào tạo của trường ĐH Thành Đông). Bà Minh cũng khẳng định: “Em đã báo cáo thầy và nộp hồ sơ cũng như học phí cho nhà trường...” Như vậy, việc ông Hùng đã trao đổi ở trên với PV không hề biết việc đó là không chính xác.
Sau cuộc điện thoại, ông Hùng lại nói rằng, cũng có biết một lớp, nhưng ông đã không cho tiếp tục dạy học rồi, việc mới tuyển sinh thêm gần đây thì ông không hề biết.
Thiết nghĩ, Thanh tra Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Yên Bái các cơ quan liên quan cần thanh tra, kiểm tra, làm rõ hoạt động liên kết đào tạo sai quy định đang diễn ra giữa các đơn vị đã nêu trên, tránh để tình trạng tương tự tái diễn với các đơn vị giáo dục khác, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo cho các cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức thực hiện tốt công việc được giao phó.
Câu hỏi được đặt ra, hoạt động liên kết chưa được sự chấp thuận của Bộ GD&ĐT, chất lượng sẽ như thế nào? Học viên có được nhận bằng Đại học? Đây là câu hỏi của hàng trăm học viên tới ông Lê Văn Hùng – Hiệu trưởng trường Đại học Thành Đông.
THCL sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi có văn bản chính thức từ nhà trường về việc các học viên trường ĐH Thành Đông có được bảo lưu kết quả trước đó hay không? Trường ĐH Thành Động đã thực hiện hoạt đông liên kết đào tạo với bao nhiêu địa phương? Quan điểm của Bộ GD&ĐT ra sao về việc này.
Mặc dù đã có những quy định rất chặt chẽ về việc tổ chức liên kết đào tạo bậc đại học của các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo nhưng Đại học Thành Đông cùng dơn vị liên quan vẫn phớt lờ các quy định bắt buộc.
Linh Tuệ - Huy Hoàng