Đằng sau việc Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa bị “tố” xài “sang hơn bộ trưởng - Hình 1

Những vật dụng tự mua được xem là sang trọng, đăt tiền của ông Ba?

Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Ba, Giám đốc đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa cho biết, gần đây có một số thông tin bịa đặt cho mình là “xé rào” tự đặt cho mình nhiều đặc quyền đặc lợi, như: Có nhân viên phục vụ (trong biên chế, được Nhà nước trả lương) nấu ăn riêng; làm việc, ăn ở trong cơ quan 24/24 giờ; sử dụng trụ sở làm việc với diện tích 80 m2 gồm 3 phòng với trang bị máy móc, thiết bị đắt tiền, kể cả giường, chiếu, tivi, tủ lạnh, điều hòa.

Theo đó, mọi chi phí, kể cả điện nước đều do ngân sách chi trả. Thậm chí “quy” cho ông việc xây dựng sân cầu lông có đầy đủ lưới che và hệ thống chiếu sáng, nhà vệ sinh, nhà tắm để Giám đốc và Trưởng phòng Tổ chức chiều hàng ngày chơi cầu lông trong cơ quan và hưởng các tiêu chuẩn sang hơn cả... bộ trưởng.

Đằng sau việc Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa bị “tố” xài “sang hơn bộ trưởng - Hình 2

Sân cầu lông, lưới chắn gió có từ năm 2006 nhưng vẫn được "vu" là công trình do ông Ba xây dựng?

Sau khi có những thông tin trên, ông Lê Quang Trung, Phó giám đốc đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa đã có văn bản báo cáo Cục Hàng hải. Cục Hàng hải đã có đoàn kiểm tra và nhận định những thông tin đó là không có căn cứ.

Đằng sau việc Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa bị “tố” xài “sang hơn bộ trưởng - Hình 3

Bản vẽ chi tiết phòng nghỉ, phòng làm việc và phòng khách của GĐ CVHH Thanh Hóa từ năm 2004

Sáng 20/7, PV có mặt tại trụ sở Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa để mục sở thị nơi làm việc được xem là... sang hơn bộ trưởng của ông Đặng Văn Ba, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa.

Ông Lê Duy Hải, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa cho biết, ngày 03/7/2005, Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa ký Hợp đồng lao động với bà Lê Thị Thủy với chức danh chuyên môn là nhân viên phục vụ.

Công việc của bà Thủy là làm tạp vụ, dọn phòng cho 3 phòng lãnh đạo gồm Giám đốc và 2 phó giám đốc, phòng họp, hội trường, sân, sảnh. Ngoài ra, bà Thủy còn nấu cơm cho toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động ở xa không có điều kiện về nhà buổi trưa (khoảng 6 – 10 người).

Việc bà Thủy là nhân viên tạp vụ trong cơ quan và đảm nhiệm những công việc này đã tồn tại gần chục năm, trước khi ông Ba được điều chuyển về làm Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa.

Phòng làm việc của Giám đốc Đặng Văn Ba tại tầng 2 của tòa nhà Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa, được xây dựng từ năm 2004. Ông Hải cho biết, đây cũng chính là phòng làm việc của đời Giám đốc trước. Toàn bộ các phòng và trang thiết bị đều được giữ nguyên hiện trạng mà không hề cải tạo, sửa chữa.

Theo quan sát của PV, phòng làm việc của ông Ba rộng chừng 20 m2, gồm bàn làm việc và tủ đựng tài liệu. Bên cạnh là phòng khách, rộng cũng chừng 20m2, kê 1 bộ bàn uống nước.

Ông Ba cho biết, bộ bàn ghế này là vật dụng duy nhất - do Phòng Tổ chức hành chính mua mới thay thế bộ cũ, hỏng từ khi ông về làm Giám đốc. Thậm chí, tường của phòng làm việc, phòng khách đã bong tróc, nhưng vẫn chưa được sơn, sửa lại.

Đằng sau việc Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa bị “tố” xài “sang hơn bộ trưởng - Hình 4

Phòng làm việc cuả ông Đặng Văn Ba, Giám đốc CVHH Thanh Hóa

Trong cùng là 1 phòng nghỉ, rộng chừng 15 m2. Nhiều thông tin cho rằng, căn phòng được trang bị những tiện nghi sang trọng, đắt tiền. Tuy nhiên, theo quan sát của PV, căn phòng được ông Ba kê 1 chiếc giường ngủ loại rẻ tiền, 1 tivi LCD Samsung 32 inh và 1 tủ lạnh LG cùng tủ đựng tài liệu cơ quan.

Theo ông Lê Duy Hải, những vật dụng cá nhân này, được vợ ông Ba từ Hải Phòng vào Thanh Hóa mua bằng tiền cá nhân và chở đến cơ quan để ông Ba sinh hoạt, chứ không phải tiền ngân sách như một số báo thông tin. Việc này, thể hiện trong sổ sách tài chính của cơ quan và đã được đoàn kiểm tra của Cục Hàng hải xác nhận.

Tháng 10/2014, Cục Hàng Hải đã điều động ông Đặng Văn Ba, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nghệ An về làm Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa. Do xa nhà, cùng với đặc thù công việc phải trực 24/24 và trực đường dây nóng của cảng vụ nên ông Ba có ngủ lại ở phòng nghỉ để đảm bảo trực và điều hành công việc tốt hơn. Việc này hết sức bình thường và vẫn diễn ra ở nhiều cơ quan cảng vụ hàng hải trong cả nước. Tuy nhiên, từ khi có thông tin cho rằng lợi dụng nhà công vụ thì ông Ba đã chuyển ra ngoài thuê nhà để ở.

Về việc làm sân cầu lông, mua lưới và... tắm trong nhà vệ sinh cơ quan, trong báo cáo gửi Cục Hàng hải, ông Lê Quang Trung, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa nêu rõ: “ Năm 2006, hưởng ứng phong trào thể dục thể thao trong cán bộ, công chức, viên chức, đơn vị không xây dựng sân cầu lông mà anh em trong đơn vị chỉ mua sơn về để kẻ sân cầu lông trên nền sân cơ quan và mua 20 mét lưới để che chắn gió, đến nay vẫn sử dụng nguyên trạng. Nhà vệ sinh, nhà tắm cơ quan cũng hoàn toàn sử dụng theo nguyên trạng, anh em chơi cầu lông ngoài giờ xong về nhà, chứ không ai tắm ở cơ quan.

Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Ba tỏ ra khá bức xúc. Ông cho rằng, không hiểu sao lại có những thông tin “ăn đứng, dựng ngược” như vậy nhằm hạ uy tín của mình và chia rẽ nội bộ cơ quan. “Tất cả những vật dụng, trang thiết bị của cơ quan đều sử dụng nguyên trạng từ đời giám đốc trước. Mọi sinh hoạt trong cơ quan không hề thay đổi, tôi chẳng làm gì tư lợi cho cá nhân mà nói “đặc quyền, đặc lợi cả”...", ông Ba nói.

Trước sự việc bị “tố” không căn cứ, ông Ba cho rằng, có thể có cá nhân trong nội bộ bất mãn đã thông tin không đúng sự thật.

Thêm vào đó, phóng viên không đến trực tiếp cảng vụ xác minh nên có những  phản ánh không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân ông Ba và ảnh hưởng đến hoạt động chung, hình ảnh của cơ quan Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa.

“Tôi mong rằng, Cục Hàng hải là cơ quan cấp trên, sẽ có những kiểm tra, đánh giá xác thực, khách quan nhất về những thông tin mà dư luận phản ánh tại Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa và cá nhân tôi”, ông Ba cho biết.

Trung Thành