Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Đầu tư BT & những cảnh báo

Tại Hội thảo “Cơ chế đầu tư BT - Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện” vừa diễn ra, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, ngay từ những năm đầu 1990, Việt Nam đã thu hút nguồn lực từ nước ngoài thông qua hình thức HĐ xây dựng - chuyển giao (gọi tắt là BT hay đổi đất lấy hạ tầng), một hình thức của đầu tư đối tác công tư (PPP).

Đầu tư BT & những cảnh báo - Hình 1

Rất nhiều địa phương hiện đang áp dụng cơ chế đổi đất để có những con đường, tuyến phố

BT: Dễ bị bóp méo

Theo ông Phớc, so với dự án BOT, dự án BT hiện ít vấp phải phản ứng từ dư luận hơn do người dân không phải bỏ tiền túi một cách trực tiếp để thanh toán và cũng ít thông tin hơn về những dự án này. Tuy nhiên, hình thức này có thể mang lại những khoản sinh lời lớn từ việc sở hữu những mảnh đất đắc địa nên dễ bị bóp méo, biến tướng.

“Khởi nguồn cho những bất cập tại nhiều dự án BT đã thực hiện là do việc không xây dựng và công bố kế hoạch dự án, hoặc có công bố nhưng chậm và công tác lựa chọn NĐT không cạnh tranh, hầu hết chỉ định thầu. Do đó, không phát huy tốt nhất nguồn lực xã hội, nhiều NĐT có năng lực tài chính hạn chế, thiếu kinh nghiệm quản lý”, ông Phớc nói.

Theo TS. Nguyễn Hữu Hiểu, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (KTNN): Cùng với hình thức BOT, BT là hình thức đầu tư cơ bản của hoạt động hợp tác công - tư. Mặc dù được pháp luật quy định từ lâu, nhưng các dự án BT thực sự “nở rộ” một số năm gần đây, chủ yếu gắn với phương thức thanh toán bằng quỹ đất.

Số lượng công trình kết cấu hạ tầng được xây dựng dưới hình thức BT ngày càng nhiều và trải rộng trên hầu khắp các lĩnh vực giao thông, giáo dục, y tế, trụ sở làm việc, công viên, tượng đài, hệ thống thoát nước, công trình hạ tầng khu tái định cư, cải tạo chung cư cũ…

“Nhiều NĐT lựa chọn BT vì hình thức đầu tư này (ở một chừng mực nhất định) an toàn hơn so với BOT, do không phải xây trạm thu phí, vận hành công trình sau khi hoàn thành. Người dân cũng ít quan tâm, phản ứng với dự án BT, do lầm tưởng các cơ sở hạ tầng được Nhà nước trực tiếp đầu tư và đặc biệt là không phải nộp phí. Tuy nhiên, xét trên bình diện tổng thể nền kinh tế, việc triển khai các dự án BT tiềm ẩn không ít rủi ro”, TS. Hiểu nói.

BT: Tiềm ẩn rủi ro

Cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” - được coi như sáng kiến của Bà Rịa – Vũng Tàu từ nửa đầu những năm 1990. Tuy nhiên, hệ quả tham nhũng đã làm cho lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị thi hành kỷ luật sau khi thanh tra.

Bởi vậy, quá trình triển khai dự án BT, theo TS. Nguyễn Hữu Hiểu, chứa đựng nhiều rủi ro. Theo đó, các dự án BT được thanh toán bằng quỹ đất theo nguyên tắc ngang giá, bù trừ chênh lệch giữa giá trị dự án BT và giá trị quỹ đất thanh toán. Việc đấu giá quyền sử dụng đất tuân thủ nguyên tắc “công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia”.

Tuy nhiên, quá trình định giá đất thời gian qua cho thấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ thất thoát tài sản công, do thông tin thiếu công khai, minh bạch. Khi chính quyền cấp tỉnh ra quyết định giao đất (đồng thời cũng là người chủ trì thẩm định giá đất), nhưng lại ít chịu sự giám sát từ bên ngoài. Người dân không tham gia trực tiếp vào quá trình định giá quỹ đất (ngoại trừ những dự án đất phải GPMB)…

Tại Báo cáo tổng hợp “Công khai thông tin quản lý đất đai ở Việt Nam”, NH Thế giới cho rằng, quản lý đất đai là một trong những lĩnh vực tham nhũng nhiều nhất ở Việt Nam và nguyên nhân chính dẫn đến điều này là thiếu công khai, minh bạch trong quá trình quản lý đất.

Chính vì vậy, những câu hỏi đặt ra: Giá trị quyền sử dụng đất được xác định để thanh toán cho dự án BT có phản ánh chính xác giá trị thực của quỹ đất không? Quá trình định giá đất có được giám sát và thực hiện đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch không? Có hay không sự liên kết giữa các nhóm lợi ích trong quá trình định giá đất?... Đó là vấn đề mấu chốt của những tranh luận về việc có nên triển khai dự án BT như hiện nay hay không. Bởi, hệ lụy của vấn đề này là rất lớn, vì nguồn lực tài nguyên đất được chuyển giao cho NĐT với giá thấp.

Những rủi ro khác, được ông Hiểu đặt ra: Công trình kết cấu hạ tầng được bàn giao với chi phí cao/hoặc với chất lượng thấp do công tác lựa chọn NĐT thiếu tính cạnh tranh; rủi ro về việc lợi ích kinh tế - xã hội mà dự án BT thực mang lại cho nền kinh tế thấp do thiếu tính toán, cân nhắc trong việc triển khai dự án BT; rủi ro cạn kiệt nguồn lực đất đai, do nhiều dự án BT được triển khai, nhưng gắn với đó là sự yếu kém trong quản lý các quỹ đất công…

BT: Giám sát chặt chẽ!

Tại không ít địa phương, thời gian qua, chính quyền đã phải đổi quyền sử dụng một lượng lớn đất (do giá trị đất không đủ cao) để có được một công trình không lớn, cả về quy mô lẫn ý nghĩa tích cực đối với nền kinh tế. Dự án đường Lê Đức Thọ kéo dài (Hà Nội) là một ví dụ. Công trình, với chiều dài 3,5 km, được triển khai theo hình thức BT, nhưng chính quyền địa phương phải thanh toán quỹ đất khoảng 70 ha cho NĐT.

Việc đánh giá sự cần thiết đầu tư và phân tích lợi thế của dự án BT so với các hình thức đầu tư khác là không thể thiếu nhằm khắc phục sự thất thoát, lãng phí nguồn lực công trong đầu tư. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp cơ quan có thẩm quyền không có đủ thông tin để thực hiện sự phân tích, đánh giá một cách kỹ lưỡng.

Kết quả là nhiều dự án BT được triển khai thời gian qua, có phần thiếu sự cân nhắc về mối quan hệ tương quan giữa lợi ích của công trình với quỹ đất được sử dụng để thanh toán cho dự án và hệ lụy là sự sụt giảm quỹ đất công.

Dưới một góc nhìn khác, bà Trương Hải Yến, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Kiểm toán Nhà nước – KTNN) cho biết, qua kiểm toán 22 dự án BT, hầu hết các dự án này được giao đất trước khi hoàn thành công trình.

Chính vì vậy, theo bà Yến, đơn giá đất tại thời điểm giao đất thấp hơn nhiều so với đơn giá đất tại thời điểm bàn giao công trình, gây thiệt hại cho NSNN. Bên cạnh đó, giá đất của các khu đất thanh toán cho các hợp đồng BT thường thấp hơn giá thị trường, do không thông qua đấu giá. KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính khoảng 3.815 tỷ đồng đối với 21 dự án (tương đương 12,54% giá trị được kiểm toán), một con số rất lớn.

Theo TS. Đặng Văn Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (KTNN), từ những mặt trái của các dự án BT, cần sớm xây dựng, ban hành Luật Đầu tư theo hình thức BT.

Trước mắt, cần khẩn trương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư xây dựng theo hình thức BT. Trong đó, tập trung vào các nội dung chủ yếu: Giá trị tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của quỹ đất thanh toán; thời điểm thực hiện thanh toán hợp đồng BT; quy định chặt chẽ về trình tự thực hiện, thanh toán, giám sát dự án. Bên cạnh đó, trên cơ sở nguyên tắc hoạt động KTNN độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, KTNN cần chủ động xây dựng kế hoạch kiểm toán hướng vào những dự án BT có tổng vốn đầu tư lớn, những dự án BT gây nhiều bức xúc được dư luận xã hội quan tâm nhằm giúp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, thất thoát, lãng phí tài chính, tài sản công.

TS. Đặng Văn Hải nêu, theo quy định tại khoản 5, Điều 95 - Luật Quản lý, sử dụng tài sản công: “Tài sản kết cấu hạ tầng được đầu tư theo hình thức BT phải được kiểm toán ngay khi kết thúc đầu tư đưa vào khai thác và định kỳ kiểm tra trong quá trình đầu tư, khai thác”.

Để tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra và kiểm toán, cần thực hiện nghiêm chỉnh ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với KTNN ngày 2/2/2017: “Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra thuộc các bộ, ngành, căn cứ kế hoạch kiểm toán hàng năm của KTNN rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra có liên quan nhằm hạn chế sự trùng lắp, chồng chéo gây khó khăn cho địa phương và DN, đảm bảo tính độc lập của KTNN theo quy định của pháp luật”.

Với sự “nở rộ” của các dự án BT như hiện nay thì chẳng bao lâu nguồn lực tài nguyên đất sẽ cạn kiệt nếu công tác quản lý không được chú trọng. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải cân nhắc, tính toán lợi ích dài hạn khi quyết định sử dụng đất để tạo vốn tài trợ cho dự án.

Bùi Quyền - Cao Huyền

Bài liên quan

Tin mới

Bình Định tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư - 2024
Bình Định tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư - 2024

Chiều 29/03, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định, 01 Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư – 2024. Hội nghị nhằm giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu về cơ chế, chính sách ưu đãi và môi trường đầu tư của Bình Định…  

Nam Định tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng Ba
Nam Định tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng Ba

Chiều 29/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định và Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định chủ trì tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 3/2024.

Nam Định: Phát động tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2024
Nam Định: Phát động tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2024

Chiều ngày 29/3, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định tổ chức Lễ phát động tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2024 nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2024).

Gửi tiền MSB - nhiều khách hàng điêu đứng vì "mất trắng"
Gửi tiền MSB - nhiều khách hàng điêu đứng vì "mất trắng"

Thời gian qua, nhiều khách hàng của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) phản ánh việc tài khoản tiết kiệm của họ bỗng dưng "mất tiền". Gần nhất là vụ 8 khách hàng gửi tiền bị chiếm đoạt hơn 300 tỷ đồng.

Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX
Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX

Sáng 29/3, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX tổ chức Hội nghị lần thứ 20. Các đồng chí: Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 14,4%
Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 14,4%

Ngày 29/3/2024, Tập đoàn Bảo Việt công bố kết quả kinh doanh năm 2023 (kiểm toán), theo đó Công ty Mẹ và các đơn vị thành viên đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.