Kết quả tổng hợp cập nhật từ các hiệp hội và doanh nghiệp khối tư nhân trên toàn quốc được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện cho thấy, hiện có 3 vấn đề khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Đó là nhiều nhà máy gặp khó khăn, thách thức trong duy trì hoạt động, đặc biệt khi áp dụng các quy định của mô hình “3 tại chỗ”; Cung ứng hàng hóa, gồm cả đầu vào và đầu ra cho các doanh nghiệp và hoạt động tiêu dùng đang đặc biệt khó khăn, vận tải hàng hóa sụt giảm mạnh hiệu suất hoạt động.
Đặc biệt, sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp suy yếu, do dòng vốn đã rất mỏng từ ảnh hưởng của 3 lần dịch bùng trước đó, lại phát sinh chi phí đặc biệt lớn để dáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch, xét nghiệm đợt này.
Để hỗ trợ khắc phục khó khăn, bất cập và giúp doanh nghiệp có thể duy trì ổn định sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, một khái niệm mới hướng tới mô hình sản xuất an toàn và thuận lợi đang được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp hướng tới, đó chính là mô hình “doanh nghiệp xanh”.
Để có thể thiết lập và đưa vào triển khai được chiến dịch phát triển “doanh nghiệp xanh”, việc đưa ra được các chính sách hỗ trợ phù hợp là vấn đề quan trọng nhất đặt ra hiện nay. Trước mắt, các chuyên gia Ban IV đề xuất Chính phủ giao chỉ tiêu và trách nhiệm cho các địa phương về tỉ lệ doanh nghiệp xanh trên tổng số doanh nghiệp tại địa bàn.
Trên cơ sở đó, chính quyền các tỉnh sẽ chủ động hơn trong việc tính toán, sắp xếp thứ tự ưu tiên, sử dụng hiệu quả nguồn lực vắc xin để tổ chức tiêm cho người lao động ở các nhà máy, nhóm lái xe, nhân lực logistics tại các công ty vận tải, dịch vụ xuất nhập khẩu..., nhằm tạo lập và phát triển các doanh nghiệp xanh.
Theo các chuyên gia, nên trao quyền cho các địa phương được quyết sách chủ động việc tổ chức tiêm tại chính các nhà máy, thay vì chỉ ở trung tâm y tế; hay việc cho phép doanh nghiệp tư nhân phối hợp với chính quyền tổ chức tiêm nếu đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn y tế, dưới sự giám sát và tập huấn của Sở y tế tỉnh, thành...
Một giải pháp khác là các bộ, ngành nên rà soát khẩn trương và tháo gỡ các quy định đang không phù hợp với “khó khăn thời dịch” để tạo nền tảng tốt nhất cho các doanh nghiệp vận hành hoạt động, song song với việc phấn đấu trở thành “doanh nghiệp xanh”, như quy định “phải quyết toán thuế TNDN 2020 để được nhận hỗ trợ vay trả lương”; quy định về thời gian làm thêm trong tuần, trong ngày; hay yêu cầu người lao động “phải không còn đóng bảo hiểm xã hội mới được nhận hỗ trợ ngừng việc của nhà nước”...
Riêng đối với việc cho doanh nghiệp vay trả lương, Ban IV đề xuất cơ chế “Nhà nước bảo lãnh cho doanh nghiệp vay gói vay trả lương tại các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách trong 3 năm”, coi đây là cách nhà nước cho doanh nghiệp ứng trước một phần nguồn lực mà họ sẽ đóng cho nhà nước để doanh nghiệp cùng người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ngọc Khánh
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)