Tại cuộc hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, nếu tăng tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non lên 60 tuổi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục, sự an toàn của trẻ. Do đó, giáo viên mầm non là ngành nghề đang được đề xuất bổ sung vào danh mục nghề được nghỉ hưu sớm.
Ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam cho biết, chỉ sau một tuần khảo sát nhanh đã có 10.698 giáo viên mầm non tham gia, trong đó 96% giáo viên đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu là 55 tuổi, không tăng lên 60 tuổi.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ân, đặc thù lao động của giáo viên mầm non bao gồm cả giảng dạy, chăm sóc và nuôi dạy trẻ ở độ tuổi quá nhỏ, đối với định mức quy định một cô giáo phải trông nhiều trẻ nên phản xạ đón, đỡ trẻ khi thực hành các bài tập trên lớp mà giao cho cô giáo từ 55 tuổi trở đi sẽ không thể đảm bảo, nguy cơ mất an toàn là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Từ 55 tuổi trở đi, giáo viên mầm non sẽ không đảm bảo sức khoẻ khi thực hiện các thao tác chuyên môn như múa, hát, hướng dẫn các hoạt động thể lực, chạy, nhảy thị phạm học sinh
Hiện tại, định mức quy định và thực tế giờ làm việc cảu một giáo viên mầm non quá nhiều giờ một ngày (10 giờ) so với các ngành nghề khác. Cường độ làm việc cao, sức ép từ sự giữ an toàn cho trẻ căng thẳng kéo dài làm cho sức khoẻ giáo viên mầm non giảm sút nhanh, nghiêm trọng theo thời gian. Vì vậy, từ 55 tuổi trở đi, giáo viên mầm non sẽ không đảm bảo sức khoẻ khi thực hiện các thao tác chuyên môn như múa, hát, hướng dẫn các hoạt động thể lực, chạy, nhảy thị phạm học sinh.
Theo bà Trịnh Thanh Hằng - Trưởng ban nữ công, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam - cũng đề nghị "giáo viên mầm non nên được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, vì đây là nghề đặc thù, giáo viên đòi hỏi phải biết múa, hát, tổ chức trò chơi, lại nhiều áp lực.
Số giờ làm việc của giáo viên mầm non cao, làm thêm nhiều mà hầu như không có lương làm thêm. Tuổi cao thì khả năng múa, hát giảm, phản ứng trước các tình huống không nhanh nhạy thì không phù hợp với việc chăm sóc trẻ.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thời điểm bộ luật Lao động có hiệu lực không còn xa, những vấn đề lớn quan trọng, trong đó có tuổi nghỉ hưu và điều kiện nghỉ hưu ở một số ngành nghề cần được xem xét, cân nhắc kỹ.
“Đây là vấn đề lớn, liên quan đến quá trình công tác cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, nhất là lao động trực tiếp sản xuất trong các ngành: dệt may, điện tử, giáo viên mầm non…; lao động các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trong bối cảnh hiện nay, có những ngành ở đơn vị này được xác định là nặng nhọc độc hại, nhưng cũng ngành đấy ở nơi khác lại không", ông Hiểu nói.
Cũng theo ông Hiểu, Công đoàn là tiếng nói của người lao động, nên tất các chính sách liên quan đến người lao động đều phải hỏi ý kiến công đoàn. "Tổng liên đoàn sẽ tổng hợp các ý kiến gửi Bộ LĐ-TB-XH khi xây dựng dự thảo nghị định phải đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động”, ông Hiểu nói.
Thiên Trường