Đề xuất tăng giờ làm thêm vượt quy định 40 giờ/thángĐề xuất tăng giờ làm thêm vượt quy định 40 giờ/tháng

Nhằm đạt được mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa bảo đảm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, duy trì được việc làm, ổn định đời sống và thu nhập của người lao động, cũng như cố gắng duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng dự thảo Nghị quyết theo hướng: Không áp dụng giới hạn làm thêm tối đa đến 40 giờ/tháng; được áp dụng làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm cho tất cả các ngành nghề, công việc.

Tuy nhiên, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động, vẫn giữ nguyên quy định giới hạn làm thêm giờ theo ngày và nghỉ chuyển ca,... tại Bộ luật Lao động. 

Cụ thể, tại Điều 107 Bộ luật Lao động quy định, số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 40 giờ trong 1 tháng; không quá 200 giờ trong 1 năm. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm trong một số ngành nghề, công việc, trường hợp theo quy định. 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, với quy định điều chỉnh tăng giờ làm thêm theo tháng vượt khung quy định, người sử dụng lao động sẽ tận dụng tối đa nguồn lực khi bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh và tiến hành phục hồi sản xuất.

Đối tượng được thực hiện tăng giới hạn làm thêm giờ trong tháng là người sử dụng lao động được quy định tại Khoản 2, Điều 2, Bộ luật Lao động, bao gồm: Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.

Thời gian thực hiện tăng thời gian làm thêm giờ, được thực hiện từ khi Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024.

Linh Tuệ