Ảnh minh họa
Theo Thông báo này, do EC có bằng chứng chứng minh rằng việc nhập khẩu một số sản phẩm thép vào EU gần đây đã tăng “đột biến”, cơ quan này đã tự động ra quyết định khởi xướng điều tra biện pháp tự vệ toàn cầu.
Giai đoạn điều tra: dự kiến trong vòng 09 tháng kể từ ngày khởi xướng và có thể gia hạn tuỳ vào tình hình thực tế của vụ việc (tối đa là 2 tháng). Thời kỳ điều tra từ năm 2013 – 2017.
EC cho rằng trong giai đoạn 2013 – 2016, lượng thép nhập khẩu đã gia tăng tuyệt đối ở mức 65% và hiện tại vẫn duy trì ở mức cao. Cũng theo cáo buộc của EC, lượng thép nhập khẩu gia tăng tương đối từ 7,3% lên 11,6% so với sản xuất trong nước và từ 12,2% lên 17,6% về tiêu thụ trong nước .
Theo EC, việc gia tăng nhập khẩu vào EU xuất phát từ sự dư thừa công suất toàn cầu và các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng với thép từ các nước khác.
Thêm vào đó EC cũng cho rằng sự gia tăng nhập khẩu này gây ra thiệt hại/đe dọa thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất của EU (thể hiện ở việc mất thị trường, giảm lợi nhuận...).
Theo quy trình, thủ tục, các bên liên quan (bao gồm các nhà sản xuất xuất khẩu, nhập khẩu, người sử dụng sản phẩm bị điều tra) có quyền bày tỏ quan điểm (bằng văn bản), cung cấp thông tin, chứng cứ về vụ việc cũng như yêu cầu tham vấn với cơ quan điều tra trong vòng 21 ngày kể từ ngày công bố thông báo khởi xướng điều tra.
EU hiện vẫn đang áp dụng thuế ưu đãi GSP 0% đối với các sản phẩm sắt thép có xuất xứ Việt Nam, trong khi áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sét thép Trung Quốc (65,1 - 73,7% đối với thép tấm nặng; 13,2 - 22,6% đối với thép cán nóng).
Trước đó, ngày 8/3 vừa qua, bất chấp sự phản đối của nhiều nghị sĩ và giới doanh nghiệp trong nước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu theo Mục 232 – Đạo luật Thương mại mở rộng cho các nước, miễn trừ Mexico và Canada.
Nhà Trắng sau đó thông báo quyết định hoãn áp mức thuế nhập khẩu thép và nhôm mới của Tổng thống Donald Trump dành cho một số đối tác thương mại chính của Mỹ bao gồm: các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cùng Argentina, Australia, Brazil, Canada, Mexico và Hàn Quốc đến ngày 1/5.
Theo BizLive