Tổ chức Kỷ lục Châu Á vừa công bố các kỷ lục Châu Á mới cho ẩm thực, đặc sản Việt Nam với sự đề cử của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings). Theo đó, năm 2023, Việt Nam có thêm 10 món ăn đặc sản, quà tặng, đưa tổng số lượng sản phẩm đạt kỷ lục đạt kỷ lục Châu Á lên con số 60.

Cụ thể, 10 món ăn đặc sản, quà tặng đạt kỷ lục Châu Á mới gồm: Bánh mì Sài Gòn (TP. HCM), cơm hến (Thừa Thiên Huế), lẩu thả Phan Thiết (Bình Thuận), nem nướng Ninh Hòa (Khánh Hòa), bún nước lèo (Sóc Trăng), cốm làng Vòng (Hà Nội), khoai deo (Quảng Bình), mè xửng (Thừa Thiên Huế), dâu Đà Lạt (Lâm Đồng) và bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh).

Như vậy, đến nay, Tổ chức Kỷ lục Châu Á đã xác lập kỷ lục Châu Á cho 60 món ăn đặc sản và quà tặng đặc sản Việt Nam. Trong đó, có 38 món ăn đặc sản và 22 đặc sản thiên nhiên và đặc sản quà tặng của các địa phương trên cả nước.

Lẩu Thả không chỉ ngon mà còn là một sự kết hợp tài tình giữa các nguyên liệu tươi ngon và cách trình bày đẹp mắt.
Lẩu Thả không chỉ ngon mà còn là một sự kết hợp tài tình giữa các nguyên liệu tươi ngon và cách trình bày đẹp mắt.

Trước đó, năm 2012 có 12 món ăn Việt được Tổ chức Kỷ lục Châu Á xác lập lần đầu tiên gồm: Phở (Hà Nội), bún chả (Hà Nội), bún thang (Hà Nội), bánh đa cua (Hải Phòng), bún bò (Huế), cơm tấm, gỏi cuốn (TP. Hồ Chí Minh), cơm cháy (Ninh Bình), cháo lươn (Nghệ An), phở khô (Gia Lai), bánh khọt (Bà Rịa - Vũng Tàu), mì Quảng (Quảng Nam).

Theo đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings), hành trình tìm kiếm và quảng bá giá trị đặc biệt của Việt Nam nhất là giá trị về ẩm thực, đặc sản đã được đơn vị thực hiện suốt 13 năm qua (từ năm 2010 cho đến nay), nhằm “Mang tinh hoa Việt Nam nói chung và tinh hoa ẩm thực đặc sản Việt Nam nói riêng ra thế giới”.

Tới đây, bằng Kỷ lục Châu Á sẽ được Tổ chức Kỷ lục Châu Á ủy quyền cho VietKings trao tặng đến các địa phương vào dịp Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 53 dự kiến diễn ra vào ngày 06/01/2024 tại TP. Hồ Chí Minh hoặc địa phương có thể đón nhận Kỷ lục trong sự kiện do địa phương tổ chức.

Điểm hấp dẫn của bánh mì Sài Gòn không phải là vỏ bánh, ruột bánh hay nhân bánh mà là sự kết hợp, hòa phối tuyệt vời giữa các thành phần đó.
Điểm hấp dẫn của bánh mì Sài Gòn không phải là vỏ bánh, ruột bánh hay nhân bánh mà là sự kết hợp, hòa phối tuyệt vời giữa các thành phần đó.

Bánh mì Sài Gòn là món ăn quen thuộc của người dân địa phương, cột mốc đáng nhớ nhất làm nên lịch sử hành trình bánh mì của Việt Nam là ngày 23/03/2011, từ “banh mi” chính thức được thêm vào từ điển Oxford. Bằng việc được xác nhận là một danh từ riêng, “Bánh mì”- (banh mi/ˈbɑːn miː/) đã chính thức trở thành cái tên riêng mang đầy niềm tự hào, khẳng định chủ quyền về một món ăn đến từ Việt Nam.

Liên tiếp sau đó, những bảng xếp hạng món ăn đường phố ngon nhất thế giới, món ăn nổi tiếng nhất thế giới năm 2013, 2014, 2016… từ các đơn vị truyền thông quốc tế hàng đầu, không năm nào thiếu vắng món bánh mì Việt Nam.

Đặc biệt, để kỷ niệm 9 năm ngày từ “banh mi” được đưa vào từ điển Oxford, ngày 24/03/2020, trên giao diện trang chủ Google tại hơn 10 quốc gia đã xuất hiện những hình ảnh hoạt họa sinh động để tôn vinh bánh mì. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử “người khổng lồ” trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ thiết kế Doodle nhằm tôn vinh món ăn phổ biến: bánh mì Việt Nam.

Minh An(T/h)