Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (81.911 ca), Mỹ (34.529 ca) và Brazil (15.155 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 1.054 ca), Mỹ (377 ca), Brazil (343 ca), Philippines (259 ca) và Mexico (217 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất. Nhìn chung, Ấn Độ đang nổi lên thành tâm dịch mới, trong khi số ca tử vong tại nhiều nước có dấu hiệu thuyên giảm.

Hiện Ấn Độ đang chứng kiến bệnh dịch leo thang nhanh chóng, với tổng cộng trên 4,9 triệu ca bệnh, trong đó 80.808 ca tử vong. Thời gian qua, Ấn Độ liên tục ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất trên toàn thế giới.

Ấn Độ thành tâm dịch mới (Ảnh: Reuters)Ấn Độ thành tâm dịch mới (Ảnh: Reuters)

Chỉ trong một tuần qua, mỗi ngày quốc gia này ghi nhận trung bình trên 90.000 ca mắc mới. Hiện số ca mắc mới ghi nhận mỗi ngày tại Ấn Độ cao gấp đôi số ca mắc mới mỗi ngày trung bình tại Mỹ và Brazil, 2 quốc gia còn lại trong số 3 quốc gia chịu tác động dịch bệnh nghiêm trọng nhất thế giới.

Tình hình dịch tại bang Victoria, tâm dịch của làn sóng lây nhiễm thứ hai ở Australia, đang có chiều hướng lắng dịu khi ngày 14/9, bang này ghi nhận số ca mắc mới thấp nhất trong gần 3 tháng qua - 35 ca - trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở thủ phủ Melbourne được dỡ bỏ một phần. Tới nay, Australia xác nhận khoảng 27.000 ca mắc Covi-19 và 817 ca tử vong.

Tính đến ngày 14/9, Canada đã có khoảng 137.000 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có xấp xỉ 9.200 trường hợp tử vong.

Tại châu Âu, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge ngày 13/9 cảnh báo khu vực này sẽ chứng kiến sự gia tăng nhanh số ca tử vong theo ngày trong tháng 10-11 tới khi nhiều nước hiện đang ghi nhận số ca nhiễm mới tăng trở lại.

Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh châu Âu hiện đang ghi nhận số ca mắc Covi-19 tăng mạnh, mặc dù số ca tử vong tương đối ổn định. Ông Hans Kluge cũng khuyến cáo những ý kiến chủ quan cho rằng vaccine có thể chấm dứt đại dịch, đồng thời nhấn mạnh hiện chỉ có tác dụng với một nhóm người chứ không phải cả mọi người đồng thời kêu gọi người dân học cách sống chung với virus SARS-CoV-2 và việc chấm dứt dịch bệnh phụ thuộc vào chính con người.

Số ca mắc Covid-19 tại châu Âu đã gia tăng trong vài tuần gần đây, đặc biệt là ở Tây Ban Nha và Pháp. Riêng ngày 11/9 vừa qua, hơn 51.000 ca nhiễm mới được ghi nhận tại 55 quốc gia thành viên WHO thuộc khu vực châu Âu, cao hơn mức cao nhất báo cáo hồi tháng 4. Tuy nhiên, số ca tử vong theo ngày vẫn duy trì ở mức 400-500 ca, tương tự như mức kể từ đầu tháng 6.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 14/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 8.004 ca mắc bệnh Covi-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 13.740 người.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì Covi-19 là Philippines, Indonesia và Myanmar. Indonesia vẫn là nước dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch, gấp đôi quốc gia xếp sau là Philippines và bỏ xa các nước khác.

Trong khi Philippines hiện có tổng số ca mắc bệnh cao nhất trong số các nước thành viên hiệp hội. Số ca bệnh phát sinh trong ngày tại ASEAN tăng mạnh trong 1 ngày qua. Indonesia hiện là ổ dịch Covi-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay, khi nước này ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực.

Singapore và Malaysia vẫn ghi nhận hàng chục ca bệnh mới mỗi ngày, song hai nước này tiếp tục kiểm soát khá tốt tình hình và đã nhiều tuần nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì COVID-19. Myanmar mấy ngày qua có số ca mắc mới bất ngờ tăng đột biến và hiện đối mặt với nguy cơ dịch leo thang nhanh chóng.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 13.746 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 381 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 562.834 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 437.304 trường hợp.

Trang Nguyễn