Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (61.054 ca), Brazil (60.344 ca) và Pháp (20.064 ca); Mỹ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.920 ca), tiếp theo là Brazil (1.253 ca) và Tây Ban Nha (443 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 28.887.718 triệu người, trong đó có 514.513 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 11.029.326 ca nhiễm, bao gồm 156.598 ca tử vong. Trong khi đó, số ca tử vong tại Brazil là 248.529 trong tổng số 10.257.875 ca nhiễm.

Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới vẫn tiếp tục tăng (Ảnh: AP)
Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới vẫn tiếp tục tăng (Ảnh: AP)

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19 với trên 28,8 triệu ca mắc và hơn 514.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 43.900 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Số ca nhiễm mới, nhập viện và tử vong tại Mỹ đang có xu hướng giảm liên tiếp trong 5 tuần gần đây. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày Mỹ có hơn 67.000 ca nhiễm mới, giảm 44% so với 2 tuần trước đó.

Châu Âu hiện là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với hơn 33,3 triệu ca nhiễm và gần 800.000 ca tử vong. Trong khu vực này, Nga có số ca nhiễm cao nhất (4.189.150 ca). Anh ghi nhận số ca nhiễm tương đương Nga (4.126.150 ca) nhưng số ca tử vong cao hơn nhiều (120.757 ca) so với ở Nga là 84.047 ca. Pháp và Tây Ban Nha đều đã có hơn 3,1 triệu ca nhiễm. Italy có số ca nhiễm thấp hơn (2,8 triệu ca) nhưng là nước ghi nhận số ca tử vong cao thứ hai châu lục với 95.992 ca.

Tại Pháp, số bệnh nhân mắc Covid-19 phải điều trị trong khu chăm sóc đặc biệt đã tăng lên 3.407 người, lần đầu tiên kể từ ngày 3/12/2020, con số này vượt quá 3.400 người. Trong khi đó, số ca nhiễm mới theo ngày trung bình trong một tuần lại tăng lên mức cao nhất trong 17 ngày qua.

Ba tỉnh miền Tây của Nhật Bản, Kyoto, Osaka và Hyogo, ngày 23/2 đã đề nghị chính quyền trung ương dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp sớm hơn một tuần so với kế hoạch dự kiến kéo dài đến ngày 7/3.

Tình trạng khẩn cấp, ban bố trong đợt lây lan dịch bệnh Covid-19 thứ hai của nước này, bắt đầu áp đặt từ ngày 7/1 và kéo dài một tháng tại thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận. Tuy nhiên, đến ngày 13/1, lệnh tình trạng khẩn cấp được mở rộng tới 7  tỉnh, trong đó có 3 tỉnh miền Tây và sau đó lệnh này tiếp tục kéo dài đến hết ngày 7/3 đối với 10 trong số 11 tỉnh. Theo lệnh này, người dân được yêu cầu hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, trong khi toàn bộ nhà hàng và quán bar cũng phải đóng cửa sớm hơn quy định.

Mặc dù vậy, Thống đốc thành phố Kyodo, Takatoshi Nishiwaki cho biết ngay cả khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ, Kyodo sẽ tiếp tục yêu cầu các nhà hàng và quán bar rút ngắn thời gian hoạt động nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm tăng trở lại.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 23/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 13.794 ca mắc Covid-19 và 353 ca tử vong.

Như vậy, các nước ASEAN hiện ghi nhận tổng cộng 2.382.276 ca mắc Covid-19 trong đó có 51.544 ca tử vong và 2.102.613 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 trong đó Indonesia chiếm phần lớn với 323 ca. Philippines thêm 6 ca tử vong và Malaysia thêm 14 ca.

Với 9.775 ca nhiễm mới Indonesia vẫn đang chứng kiến tốc độ lây lan nhanh. Nước này tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN với số ca tử vong lên tới trên 35.000 người, trong tổng số 1.298.608 ca bệnh.

Tình hình Malaysia vẫn căng thẳng với 2.468 ca nhiễm mới trong ngày 23/2. Trong khi đó, Thái Lan tiếp tục khống chế được dịch với 95 ca nhiễm mới; Singapore chỉ ghi nhận thêm 4 ca.

Campuchia ghi nhận thêm 25 ca nhiễm mới, Timor Leste thêm 4 ca trong khi Brunei và Lào không ghi nhận ca nhiễm mới nào.

Trang Nguyễn