Theo đơn vị quản lý Bến xe miền Đông, miền Tây cho biết dự kiến, thời gian phục vụ hành khách dịp lễ 30/4 năm nay bắt đầu từ chiều 26/4.

Đại diện Bến xe miền Đông cho biết trong 5 ngày nghỉ lễ sắp tới, dự báo sản lượng hành khách đi lại qua bến sẽ tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2018. Về giá vé, Bến xe miền Đông điều chỉnh tăng giá cước không quá 40% so với ngày thường.

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, vé xe khách lại tăng - Hình 1

Cứ đến dịp lễ, Tết, các nhà xe lại đề xuất tăng giá vé. (Ảnh minh họa)

Tương tự, trên trang web của của mình, Bến xe miền Tây thông tin trong dịp lễ 30/4 và 1/5, các đơn vị kê khai tăng giá vé không quá 40% so với mức giá vé ngày thường. Lượng hành khách đi lại qua Bến xe miền Tây dịp này được dự báo sẽ tăng từ 2 - 4% so cùng kỳ năm ngoái; cao điểm là ngày 27/4, lượng hành khách ước đạt từ 62.000 - 65.000 khách/ngày.

Riêng đối với các xe hợp đồng, xe buýt, xe tăng cường; bến xe sẽ dựa vào giá vé các đơn vị vận tải kê khai trong dịp lễ 30/4 – 1/5 năm nay để xây dựng bảng giá vé của bến xe bán cho các loại xe nêu trên.

Thực tế, các nhà xe đã chủ động tăng giá từ sớm và vé ngày cao điểm (27/4 ) của các xe thương hiệu gần như đều đã thông báo hết vé.

Việc bến xe, nhà xe tăng giá hầu hết các dịp lễ, Tết trong năm với lý do bù khoản phụ thu, trả chi phí nhiên liệu cho xe chạy rỗng một chiều về đã diễn ra phổ biến nhiều năm nay như một thông lệ tại khu vực miền Nam.

Việc lấy cớ bù rỗng để tăng giá vé khiến người thiệt hại lớn nhất vẫn là người tiêu dùng vì họ không biết kêu ai, không có sự lựa chọn nên bắt buộc phải chấp nhận việc các nhà xe liên tục tăng giá.

Theo Thông tư liên tịch 152 của Bộ Tài chính - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc hướng dẫn thực hiện kê khai giá vé vận tải không cho phép phụ thu giá vé mà chỉ cho phép doanh nghiệp kê khai đăng ký giá vé phù hợp. Sở GTVT TP.HCM cần cân nhắc chấm dứt tiền lệ tăng giá vé để bù chi phí chiều xe chạy rỗng từ các tỉnh, về TP.HCM dịp nghỉ lễ.

Hằng Vương (t/h)