Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn đầu đoàn công tác làm việc tại Thanh Hóa.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn đầu đoàn công tác làm việc tại Thanh Hóa.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế việc thực hiện IUU tại TP. Sầm Sơn. Đại diện Cục Chăn nuôi đã đi kiểm tra tình hình chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật tại huyện Triệu Sơn.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ liên quan theo yêu cầu của đoàn công tác Bộ NN&PTNT.

Cụ thể, về tình hình thực hiện các khuyến nghị của EC về IUU, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đều có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các giải pháp thực hiện; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang làm trưởng đoàn; thành lập các văn phòng đại diện để thanh tra, kiểm tra tại các cảng cá.

Đồng thời, các lực lượng chức năng cũng tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các cửa lạch và trên biển về chấp hành IUU. Năm 2022, đã có 113 lượt tàu thuyền bị xử phạt vi phạm với tổng số tiền hơn 606 triệu đồng; tháng 1 năm 2023 có 13 vụ vi phạm bị xử lý với tổng tiền phạt hơn 93 triệu đồng.

Tuy nhiên, việc thực hiện IUU trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: Nhiều chủ tàu vẫn giữ thói quen khai thác trên ngư trường truyền thống dẫn đến vi phạm phía Đông đường phân định sau khi Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc hết hiệu lực. Còn nhiều chủ tàu thuyền chưa ghi chép và nộp nhật ký khai thác thủy sản, thông báo trước 1 giờ cập bến và rời cảng với các ban quản lý cảng cá theo quy định. Nhiều tàu cá trên 15m không vào cảng cá chỉ định để bốc dỡ sản phẩm, chưa duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển...

Về tình hình phát triển chăn nuôi, Thanh Hóa hiện có đàn trâu 180 nghìn con, đàn bò 275 nghìn con, đàn lợn 1,25 triệu con… Năm 2022, sản phẩm thịt hơi các loại đạt khoảng 280 nghìn tấn, 300 triệu quả trứng, khoảng 58 nghìn tấn sữa…

Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật và thủy sản được thực hiện tốt nên Thanh Hóa không xảy ra dịch bệnh. Nhiều giải pháp phát triển ngành chăn nuôi đã và đang được triển khai theo các định hướng của tỉnh.

Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Đức Giang cảm ơn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cá nhân Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng như các đơn vị trực thuộc Bộ đã có sự quan tâm, hỗ trợ Thanh Hóa trong phát triển nông nghiệp những năm qua.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đã khái quát những nét nổi bật trong từng lĩnh vực của ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nêu lên những thuận lợi và thách thức cùng các giải pháp phát triển của tỉnh thời gian tới. Riêng nhiệm vụ thực hiện IUU, tuy Thanh Hóa hầu như chưa có sản phẩm thủy sản xuất khẩu đi Châu Âu nhưng vì danh dự quốc gia, vì ngư dân cả nước nên tỉnh đã có nhiều giải pháp quyết liệt và hiệu quả. Tỉnh vẫn đang tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ, tăng cường kiểm tra và tuyên truyền để ngăn chặn các vi phạm IUU.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến kết luận tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến kết luận tại buổi làm việc.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp. Đồng thời khẳng định, việc gỡ “thẻ vàng” của EC là nhiệm vụ cấp bách của thủy sản cả nước.

Trách nhiệm phải được gắn với người đứng đầu các ngành, các địa phương, đây là nhiệm vụ mang tính pháp lệnh, đã được Đảng, Chính phủ chỉ rõ bằng các quy định thời gian qua. Qua kiểm tra và tìm hiểu quá trình triển khai thực tế, Thứ trưởng yêu cầu Thanh Hóa xem việc quản lý và kiểm soát đội tàu là nội dung quan trọng, cần được triển khai sát sao hơn nữa.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh về vấn đề chăn nuôi, Thanh Hóa có quy mô ngành chăn nuôi khá lớn, nhưng nhiều năm qua tình hình dịch bệnh cũng không ít. Vì thế cần đề ra các giải pháp căn cơ để phát triển và hoàn thiện hạ tầng chăn nuôi, chuẩn bị đủ điều kiện để sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh một cách chủ động.

Lê Nam