Chỉ còn khoảng 03 tháng nữa là bước vào cao điểm hàng hóa cuối năm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá từ nay cho đến cuối năm và đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, các doanh nghiệp phân phối đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung ổn định, không có sự gián đoạn trong cung cấp hàng hóa cũng như đột biến về giá cả cho người tiêu dùng.
Bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc Đối ngoại và Đầu tư Tập đoàn Central Retail cho biết, các doanh nghiệp phân phối đang lên phương án tiết giảm tối đa chi phí, đưa ra những chương trình khuyến mại hấp dẫn người tiêu dùng.
Để kích cầu tiêu dùng, các địa phương trên cả nước đã sẵn sàng kế hoạch tổ chức khuyến mại cuối năm. Điểm chung là chương trình năm nay sẽ kéo dài hơn, ưu tiên quảng bá hàng Việt Nam.
Theo khảo sát của Công ty Kantar Việt Nam - doanh nghiệp chuyên nghiên cứu thị trường thì, người tiêu dùng thay đổi thứ tự các yếu tố quan tâm khi mua sắm, lựa chọn sản phầm theo tiêu chí: Ưu tiên sức khỏe, tăng trải nghiệm tại nhà, cá nhân hóa nhu cầu, đồng thời tối ưu hóa chi tiêu bằng lựa chọn sản phẩm giảm giá, so sánh giá giữa các kênh phân phối…
Thực tế đang đặt ra cho các doanh nghiệp bài toán, cần phải đưa ra những kế hoạch cân đối danh mục sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm người tiêu dùng khác nhau, đồng thời, phải có chương trình kích cầu trong ngắn hạn để giữ chân người dùng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định: "Chúng ta phải tính đến lâu dài, đó là làm sao để chi phí sản xuất của các doanh nghiệp giảm đi, chi phí lưu thông phải giảm đi, các chi phí ở các trung tâm thương mại phải giảm thì lúc đó chúng ta mới có hy vọng giảm giá bán nhiều nhất, kích thích tiêu dùng của người dân. Đặc biệt là chúng ta làm sao có kết nối liên thông giữa các bộ phận để giảm thiểu thời gian có thể chuyển hàng hóa từ khi người sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng để giảm được chi phí lưu kho, lưu bãi và giảm được chi phí khác".
Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng rất đa dạng mà chúng ta có thể tổ chức những chương trình nối tiếp nhau hoặc là liên kết với nhau để từ đó tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”".
Thị trường trong nước đang được coi là điểm sáng của nền kinh tế bởi trong khi rất nhiều lĩnh vực gặp khó khăn thì 9 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng trưởng khoảng 10%. Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng quan trọng, trong đó, đặc biệt quan tâm đến chương trình khuyến mại tập trung quốc gia và bình ổn thị trường.
Hải Dương (t/h)