Ông Đoàn Ngọc Ly sinh năm 1974, là một doanh nhân khá kín tiếng, xuất thân trong gia đình “bề thế” ở tỉnh Nam Định. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình từ vị trí nhân viên tại Công ty con thuộc Tổng công ty Sông Đà năm 1995. Kinh qua nhiều vị trí, nhiều năm lăn lội tại các dự án thuộc Tổng công ty Sông Đà và đến năm 2010 sự nghiệp của ông Đoàn Ngọc Ly bắt đầu có bước chuyển mới.
Năm 2010, từ vị trí Kế toán trưởng Sông Đà 11, ông Đoàn Ngọc Ly được bổ nhiệm vào ghế Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sông Đà 11. Chỉ ít lâu sau, ông Đoàn Ngọc Ly chính thức được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc rồi Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sông Đà Hà Nội (UPCoM: ASD). Từ năm 2012 đến nay, ông Đoàn Ngọc Ly chính thức là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Sông Đà Hà Nội. Sau gần 10 năm gắn bó và chèo lái, ông Đoàn Ngọc Ly đã nỗ lực xây dựng Sông Đà Hà Nội lớn mạnh, với tổng tài sản tăng hơn 240%.
Sông Đà Hà Nội tiền thân là Công ty CP BOT QL6 đoạn Xa La - Xuân Mai (Hà Nội), được thành lập theo hình thức Công ty CP để đầu tư dự án do Tổng công ty Sông Đà giữ cổ phần chi phối. Năm 2014, Sông Đà chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội với 4 triệu cổ phiếu ASD với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Năm 2016, Tổng công ty Sông Đà đã thoái hết vốn tại ASD. Ở thời điểm năm 2014, Chủ tịch Đoàn Ngọc Ly không nắm giữ cổ phần tại ASD, chỉ làm đại diện vốn cho Tổng công ty Sông Đà. Năm 2016, ông Đoàn Ngọc Ly bắt đầu mua vào cổ phiếu ASD để nắm giữ 10% vốn của Công ty.
Năm 2020, ông Đoàn Ngọc Ly tiếp tục mua vào để nâng sở hữu tại Công ty lên 22,53% và trở thành cổ đông lớn. Từ năm 2016, sau khi Tổng công ty Sông Đà thoái hết vốn, ASD bắt đầu cơ cấu lại bộ máy tổ chức, cơ cấu cổ đông và rút dần khỏi các dự án tại các tỉnh để “dồn sức” cho hàng loạt các dự án công trình trọng điểm tại tỉnh Nam Định. Kể từ đó, ông Đoàn Ngọc Ly được biết đến là “ông trùm thầu” khi điều hành ASD trúng hàng loạt các dự án tại Nam Định tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
Tính đến ngày 2/3/2021, Công ty CP Sông Đà Hà Nội (UPCoM: ASD) có vốn điều lệ 40 tỷ đồng (tương đương 4 triệu cổ phần). Ông Đoàn Ngọc Ly sở hữu 901.000 cổ phần ASD, chiếm tỷ lệ 22,53% vốn điều lệ tại ASD và là cổ đông cá nhân sở hữu lớn nhất tại ASD.
Sau khi đưa 4 triệu cổ phiếu ASD lên thị trường UPCoM, không chỉ dịch chuyển về bộ máy tổ chức, cơ cấu cổ đông mà Sông Đà Hà Nội còn thay đổi cả về “tôn chỉ” kinh doanh. Công ty dần rút khỏi các dự án thủy lợi, thủy điện tại tỉnh Lai Châu, Nghệ An, Sơn La để dồn sức cho loạt dự án công trình trọng điểm ở tỉnh Nam Định. Các dự án tại Nam Định đều có dấu ấn của ông Đoàn Ngọc Ly gồm: Trường THPT Nghĩa Hưng B; Trường THPT Quất Lâm; Trường THPT Hoàng Văn Thụ; Bệnh viện Đa khoa huyện Ý Yên; Xây dựng hạ tầng khu đô thị mới Liễu Đề, Công trình khu đô thị mới Cổ Lễ; Tuyến đường Tiến Thịnh; Trụ sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định...
Nổi bật hơn, giữa năm 2020, Sông Đà Hà Nội “vượt mặt” hai nhà thầu lớn là Công ty CP Xây dựng hạ tầng Đại Phong và Công ty TNHH MTV Sông Đà 2 E & C để trúng Gói thầu Thi công xây dựng công trình đoạn từ đê hữu sông Đào (bến phà Kinh Lũng) đến Quốc lộ 10 tỉnh Nam Định, thuộc Dự án Xây dựng Tỉnh lộ 485B đoạn từ đê hữu sông Đào đến Quốc lộ 21B tỉnh Nam Định với giá 127,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ giảm giá 6,2%.
Tháng 6/ 2021, Sông Đà Hà Nội tiếp tục được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ý Yên lựa chọn thực hiện Gói thầu Xây dựng tuyến đường huyện nối từ đê tả Đáy đến Đường 57B với giá trúng thầu là 200,06 tỷ đồng, thấp hơn 0,24 tỷ đồng so với giá gói thầu. Gói thầu này Sông Đà Hà Nội đã vượt mặt 2 nhà thầu lớn là Công ty CP Tập đoàn Xuân Trường và Công ty CP Xây dựng hạ tầng Đại Phong.
Bên cạnh đó, ông Đoàn Ngọc Ly đã đưa ASD ghi dấu ấn trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khi xin được phép khai thác mỏ cát khu vực ven biển Nghĩa Hưng, Nam Định. Năm 2017, Sông Đà Hà Nội chính thức được cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho phép khai thác cát bằng phương pháp lộ thiên tại Lô số 1B khu vực ven biển Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (nằm giữa 2 cửa sông Đáy và Sông Ninh Cơ) với diện tích khai thác hơn 42 ha, trữ lượng thai khác 1,5 triệu m3 trong thời hạn 5 năm.
Đến cuối năm 2019, Sông Đà Hà Nội nhận thêm 3 giấy phép tương tự, tại Lô số 1A, 2A, 2B ven biển Nghĩa Hưng, nâng tổng diện tích khai thác của công ty tại khu vực này lên 180 ha, trữ lượng được khai thác lên đến hơn 6 triệu m3.
Các mỏ cát đã giúp Sông Đà Hà Nội tăng trưởng mạnh mẽ về tổng doanh thu, đặc biệt là năm 2019 tăng gấp hai lần so với năm trước, đạt trên 191 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp của ASD năm 2019 chỉ 17,5 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với 2018. Ngoài ra, báo cáo thường niên năm 2021 của ASD cho biết, trong năm 2020, ASD đã đấu giá quyền khai thác khoáng sản lô số 14,15 và 18, 19 khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng với trữ lượng 12 triệu m3.
Hoạt động khai thác cát chưa đem lại cho Sông Đà Hà Nội những kết quả nổi bật trên sổ sách kế toán khi lãi ròng vẫn duy trì ở mức khá khiêm tốn dù doanh thu đạt trên trăm tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2019, Sông Đà Hà Nội ghi nhận doanh thu từ 92 - 270 tỷ đồng, nhưng lãi ròng chỉ ở mức 2 - 3,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các khoản phải nộp cho Nhà nước từ năm 2019 cũng tăng lên mạnh mẽ, với số dư gần 20 tỷ đồng (cuối năm 2019) và lên 25 tỷ đồng (cuối năm 2020) chủ yếu là thuế tài nguyên tới từ hoạt động khai thác cát.
Ngày 3/6/2021, cổ phiếu ASD có phiên giao dịch cuối cùng trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, để sau đó từ ngày 4/6/2021 hủy đăng ký giao dịch. Lý do được đưa ra là ASD hủy tư cách công ty đại chúng, thuộc trường hợp hủy đăng ký giao dịch theo quy định.
Hoàng Anh