![Ảnh minh hoạ Ảnh minh hoạ](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2021/08/24/xkthuysan-loyj-1629785243.jpeg)
Theo VDSC, triển vọng nguồn cung vốn đã khó khăn đối với ngành thủy sản Việt Nam càng thêm phức tạp do các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.
Trong đó, nhiều nhà máy chế biến thủy sản đã phải đóng cửa, và những nhà máy có thể tiếp tục hoạt động phải giảm công suất hoạt động, đồng thời phải thực hiện “3 tại chỗ” và xét nghiệm nhanh COVID-19 thường xuyên với các công nhân tại nhà máy.
Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho thấy, trong tháng 7/2021, giá trị xuất khẩu thủy sản đã giảm 4% so với cùng kỳ sau khi tăng 15% và đạt 4,1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021.
Bên cạnh đó, số lượng nhân viên chỉ chiếm 30% - 50% mức bình thường đã gây ra sụt giảm công suất từ 50% đến 60% công suất sản xuất.
Trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, thì các chi phí cho doanh nghiệp đảm bảo được "3 tại chỗ" lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong nửa đầu tháng 8, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 264 triệu USD, giảm 41% so với nửa cuối tháng 7 và giảm 30% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng xuất khẩu cá tra nửa đầu tháng 8 đã giảm mạnh hơn 30% so với cùng kỳ.
Do đó, báo cáo chỉ ra rằng các công ty thủy sản sẽ bắt đầu chứng kiến xuất khẩu giảm mạnh kể từ tháng 8 trở đi. VDSC cũng lo ngại rằng sự sụt giảm này có thể diễn ra tiếp tục vào quý IV do các ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
VASEP trước đó cũng đã đưa ra nhận định tương tự khi cho rằng kim ngạch xuất khẩu trong cả tháng 8 của ngành thủy sản sẽ giảm mạnh so với những tháng trước và giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản tập trung khá nhiều ở TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ nên chắc chắn cũng giảm mạnh so với tháng trước và so với tháng 8/2020, VASEP nhận định.
Minh Đức