THCL Từ những vụ tai nạn thương tâm, coi thường tính mạng của người tham gia giao thông, một nghệ sỹ nhiếp ảnh đã hình thành nên ý tưởng “độc” mở quán cà phê bằng những vật dụng là các chiếc xe bị phế thải sau các vụ tai nạn, biển báo giao thông không còn sử dụng…

Độc đáo cà phê “Biển báo giao thông” - Hình 1

Tác phẩm mang thông điệp nhanh một giây chậm một đời

Cái tâm của người nghệ sỹ

Không ồn ào náo nhiệt như bao quán cà phê khác trong thành phố, cà phê biển báo giao thông tọa lạc tại đường Trần Nhân Tông (Sơn Trà, Đà Nẵng) mang cho mình một nét “im lặng” riêng của người nghệ sỹ nhiếp ảnh. Ấn tượng trong mắt chúng tôi khi bước chân vào quánđó là cổng chào được thiết kế hình vòm, làm từ những viên ghạch cũ và chiếc xe đạp của vụ tai nạn, được chia ra làm đôi treo lên trên 2 cánh cổngnhư lời mời thân thương của người chủ quán với du khách.

Sinh ra và lớn lên trên vùng biển Thọ Quang thuộc bán đảo Sơn Trà, cảnh sắc hùng vĩ. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Mỹ (nghệ danh Mỹ Dũng) đã bước chân vào con đường nghệ thuật ngay từ tuổi đôi mươi.Cái triết lý về cái “đẹp” và “chân, thiện, mỹ” đã thấm nhuần vào ông. Cũng chính vì lẽ đó mà ông đã tạo cho mình những tác phẩm kiệt tác ít người làm được. Mỗi tác phẩm sắp đặt của ông trong quán là một quá trình để hình thành nên cái người ta gọi là “nghệ thuật đương đại”. Nó ẩn chứa trong đó nhiều tâm sự của ông với tình hình, ý thức của người tham gia giao thông hiện nay.

Quán cà phê biển báo là một công trình nghệ thuật mà ông ấp ủ nhiều năm liền. Trăn trở vấn nạn tham gia giao thông của người dân, những con số thương vong hàng năm về các vụ tai nạn, và hậu quả sau những vụ tai nạn - đó là động lực để một người nghệ sỹ nhiếp ảnh thực hiện ước mơ nghệ thuật của mình. Có được quán cà phê với không gian mở, nó đòi hỏi ông phải thức nhiều đêm ròng rã tạo dựng bảng thiết kế, cách trình bày về bố cục, hình thành ý tưởng, mong muốn làm sao du khách vào tham quan biết được mình đang ngồi ở một “trường học luật về giao thông” chứ không đơn thuần là vào thư giãn.

Để có được những tác phẩm độc đáo như vậy, không phải là điều đơn giản và không phải ai cũng làm được. Đó là một cuộc hành trình tìm kiếm lâu dài, không quản ngại mưa gió, khó khăn vất vả. Nhiếp ảnh Mỹ Dũng cho biết,ông mất gần 2 năm liền, chạy khắp các tiệm thu mua phế liệu trên Thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam để tìm mua nguyên vật liệu cần thiết cho tác phẩm của mình. Nếu không có vật liệu ưng ý, ông để lại số điện thoai, khi cần là liên hệ. Nhiều lúc, đang cùng gia đình ăn cơm hoặc đi sáng tác nhiếp ảnh, có điện thoại từ các tiệm thu mua phế liệu là ông tức tốc chạy liền.

Sau những khoảng thời gian dài đăng đẳng, với bao khó khăn, vất vả, người nghệ sỹ đã tạo cho mình được một không gian trưng bày tác phẩm ưng ý mang đầy tính nhân văn mà ông gọi nó là cả một gia tài.

Mỗi góc nhìn, một thông điệp

Với lối thiết kế không gian mở, cà phê biển báo tạo cho du khách khi tới tham quan, uống cà phê một cảm giác gần gũi với thiên nhiên và cuộc sống thường ngày vẫn đang diễn ra hối hả trong xã hội.

Độc đáo cà phê “Biển báo giao thông” - Hình 2

Ấn tượng trên menu và cả bàn ghế trong quán

Trên các bức tường hay không gian xung quanh đều được vẽ, cắm các biển báo giao thông. Ông Mỹ không cắm thẳng đứng biển báo mà dựng chúng xiêu vẹo cùng lời lý giải khi tham gia giao thông không phải ai cũng luôn nhìn thẳng.

 Ngồi uống cà phê trên chiếc ghế được thế kết từ ghế sau của xe máy cup 50, có chân số và bàn đạp kết hợp với bàn được làm từ vô lăng, gắn thêm gương chiếu hậu của xe ôtô tạo cho du khách cảm giác như vừa lái xe vừa thưởng thức cà phê. Ấn tượng hơn nữa là căn nhà lá dùng để pha chế cà phê, thức uống, xung quanh được ốp bằng các biển số xe bị tai nạn không được lưu hành.

Tác phẩm mà ông tâm đắc nhất là “còi âm”, những chiếc còi của xe ôtô, xe máy được sắp đặt trong một lồng sắt. Nó nói lên tình hình tham gia giao thông hiện nay vừa ô nhiễm môi trường còn ô nhiễm tiếng ồn, ông muốn tạo cho người xem một cảm nhận đúng với thực tế của lớp trẻ tham gia giao thông hiện nay và nâng cao ý thức khi đi trên đường, không bấm còi khi không cần thiết, tạo được nét văn minh trong xã hội.

Quán cà phê biển báo giao thông là thông điệp của ông Mỹ nói riêng với toàn thể mọi người nói chung nêu cao ý thức, trách nhiệm của mình, khi ngồi trên các phương tiện tham gia thông đường bộ, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo cho mình nét đẹp văn hóa giao thông.

Hiền Sinh