Buổi đối thoại tập trung 4 nhóm vấn đề để các doanh nghiệp dễ liên hệ trao đổi là: Nhóm đầu tư, xây dựng; Nhóm đất đai, bảo vệ môi trường, nguồn nhân lực; Nhóm thuế, hải quan, phòng chống cháy nổ, thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; Nhóm thị trường, vốn...
Giao lưu, gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp trong nước năm 2018 tại Đồng Nai
Những vướng mắc cần được giải quyết
Tương ứng với 4 nhóm vấn đề trên, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đến từng bàn được bố trí sẵn để gặp trực tiếp trả lời doanh nghiệp.
Các năm trước, tỉnh tổ chức đối thoại chung, nhưng năm nay đổi mới, doanh nghiệp trực tiếp đối thoại với lãnh đạo sở, ngành đối với những vấn đề còn vướng mắc. Các vướng mắc này, có thể do quy định của pháp luật còn bất cập hoặc do cách hiểu khác nhau giữa doanh nghiệp và cán bộ xử lý công việc.
Tại buổi đối thoại, Ban Tổ chức đã nhận được 59 câu hỏi của các doanh nghiệp, trong đó liên quan về đất đai được nhiều doanh nghiệp bức xúc, đặt câu hỏi. Cụ thể, sau nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng, đến với buổi đối thoại.
Ông Trần Tấn Phát, đại diện Công ty TNHH Tấn Đạt Phát, Khu công nghiệp (KCN) Amata cho biết: “Năm 2009, doanh nghiệp tôi có thuê đất của KCN Amta, đến nay đã hơn tám năm. Lúc thuê đất, chúng tôi trả tiền một lần 50 năm, nhưng lại không được cấp chủ quyền đất.
Do đó, doanh nghiệp của tôi giờ không có tài sản thế chấp cho ngân hàng để vay vốn bổ sung mở rộng sản xuất. Điều này, khiến chúng tôi phải đi vay ở ngoài lãi suất cao. Nhiều lần lên Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhưng vẫn chưa được giải quyết”.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Tuấn Anh trao đổi với doanh nghiệp
Trong thời gian một buổi, 53/59 câu hỏi của doanh nghiệp đã được đại diện lãnh đạo các sở, ngành và UBND tỉnh Đồng Nai trả lời, còn sáu câu hỏi thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành Trung ương được các đơn vị tiếp thu và cam kết chuyển câu hỏi đến đúng địa chỉ trong thời gian sớm nhất và phúc đáp doanh nghiệp.
Cam kết của UBND tỉnh
Ông Trần Văn Vĩnh cam kết, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp một cách nhanh nhất. Đồng thời, mong cộng đồng doanh nghiệp trong thực tiễn hoạt động, phản ánh các vấn đề còn bất cập về cơ chế chính sách hay tình trạng “làm khó” của một bộ phận cán bộ, công chức để kịp thời chấn chỉnh.
Đối với một số câu hỏi trả lời chưa đáp ứng được nguyện vọng của doanh nghiệp, ông Vĩnh yêu cầu các sở, ngành tiếp tục trả lời bằng văn bản, sau đó đăng công khai cổng thông tin điện tử của tỉnh để doanh nghiệp theo dõi.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh (bìa phải) trao đổi với các doanh nghiệp
Ngoài ra, ông Trần Văn Vĩnh cũng thông tin, hiện nay, tỉnh Đồng Nai đã thiết lập tổng đài hành chính công 1022, để tiếp nhận mọi thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Các sở, ngành, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trả lời những phản ánh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Do vậy, ngoài các kênh trực tiếp đến các sở, ngành, tham gia đối thoại, các doanh nghiệp có thể liên hệ qua tổng đài để được hướng dẫn, giải quyết nhanh nhất.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, đơn giản thủ tục để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tỉnh sẽ thường xuyên tổ chức đối thoại nhiều chủ đề, nhất là các lĩnh vực đang được các doanh nghiệp quan tâm như: đất đai, thuế, hải quan...
Diệu Dương