Bài 3:Tài sản của người dân đang ở đâu?

TH&CL có loạt bài phản ánh: "Đồng Nai: “Cưỡng chế thu hồi đất có dấu hiệu khuất tất” - nêu lên sự việc Người dân tố cáo chính quyền phường Long Bình, TP. Biên Hòa (Đồng Nai) có hành vi cưỡng chế thu hồi đất, thu giữ tài sản nhưng chưa đầy đủ hồ sơ xử lý vi phạm.

Việc cưỡng chế này là “tước” công người khai hoang của họ và trái quy định của pháp luật hiện hành, gây thiệt hại cho họ hàng chục tỷ đồng!

Các gia đình phát hiện những điểm không phù hợp, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nên họ không chấp nhận và làm đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền, nhưng mọi việc lại rơi vào lặng im!

Cưỡng chế ngày cận Tết...

Theo ông Nguyễn Quốc Doanh: ''Chúng tôi không đồng ý với Thông báo số 03 và Quyết định số 19 nên đã làm đơn đề nghị hủy bỏ thông báo và quyết định nói trên kèm theo tài liệu chứng minh diện tích đất sử dụng hợp pháp của gia đình tôi từ năm 1993. Sau nhiều ngày chờ đợi, tôi không nhận được bất cứ văn bản trả lời nào từ phía UBND phường Long Bình, cũng như TP. Biên Hoà''.

Đồng Nai: Cưỡng chế thu hồi đất có dấu hiệu khuất tất - Hình 1

Trước đó vài ngày, đàn gia súc, gia cầm của 7 hô dân vẫn nhởn nhơ ở trang trại, nhưng sau ngày 19/1, đoàn cưỡng chế vào cào, múc... và giờ không biết “nó” đang ở đâu?

“Tai họa” ập đến đối với gia đình 7 hộ dân này, vào 9 giờ sáng ngày 19/1/2016 (ngày 20/12 Âm lịch, cận Tết Nguyên đán 2016) - sau chưa đến 1 tuần, khi người dân nhận thông báo cưỡng chế, Đoàn cưỡng chế của TP. Biên Hòa, công nhiên kéo vào cào nhà và toàn bộ phần đất khoảng 15ha của các hộ dân đang sử dụng.

“Mặc dù hết sức bất ngờ, nhưng chúng tôi vẫn bình tĩnh trình bày: Phần đất của tôi đang sử dụng lâu nay và đang làm thủ tục xin cấp sổ theo quy định. Nay chủ trương của UBND TP. Biên Hòa muốn thu hồi đất thì phải hoàn thành các nghĩa vụ thỏa thuận, bồi thường với gia đình tôi. Hiện nay, tôi vẫn chưa nhận được một đồng nào từ việc đền bù hay hỗ trợ nào, thì tại sao lại ra quyết định cưỡng chế tài sản? Trước đó, gia đình chúng tôi chưa nhận được bất cứ quyết định nào của ngành chức năng. Họ làm càn, không cho chúng tôi chuẩn bị gì cả!”, ông Dũng ấm ức.

Mặc dù ông Dũng và 6 hộ dân khác đã trình bày sự việc có tình, có lý như trên, nhưng đoàn cưỡng chế vẫn cho nhiều xe tải, xe cơ giới có cần cẩu phá dỡ toàn bộ nhà cửa, chuồng trại, cây trồng hoa màu, vật nuôi và tài sản mà các gia đã khó khăn tạo lập từ trước năm 1993 đến nay.

Đồng Nai: Cưỡng chế thu hồi đất có dấu hiệu khuất tất - Hình 2

Các hộ dân gây dựng trên 2 thập niên, chỉ sau 1 ngày thành bãi hoang!

Theo quy định của Luật Đất đai, Nghị định 43/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, quy định nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai như sau: Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật; không thực hiện cưỡng chế trong thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau; các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; trong thời gian 15 ngày trước và sau Tết Nguyên đán...

Theo ông Nguyễn Quốc Doanh, tổng số tài sản thiệt hại trong vụ “cưỡng chế” này của gia đinh ông, ước tính trên 3 tỷ đồng và cả 7 hộ dân vào khoảng 10 tỷ đồng.

Tài sản của dân đang ở đâu?

Điều ngạc nhiên là các hộ dân này không biết tài sản của họ bị cưỡng chế giờ đang ở đâu? Ông Doanh hoang  mang: “Đến nay, cũng không rõ số tài sản của gia đình tôi mà đoàn cưỡng chế mang đi để ở đâu. Bởi vì, đoàn cưỡng chế không lập biên bản thu giữ tài sản, không thống kê tài sản?”.

Ông Nguyễn Văn Phượng tiếp lời: “Đến giờ, tôi vẫn không biết số tài sản của gia đình tôi tôi sau khi bị cưỡng chế “oan” đang cất giữ ở đâu? Ai quản lý? Bao giờ trả lại cho gia đình tôi?''.

Đồng Nai: Cưỡng chế thu hồi đất có dấu hiệu khuất tất - Hình 3

Sau hơn 1 năm quay về mảnh vườn xưa, ông Nguyễn Văn Phượng không cầm được nước mắt!

Theo Ông Lê Văn Dũng thì: “Quá trình cưỡng chế thu hồi đất có tính chất như một cuộc cướp phá đất đai, tài sản, hơn là một hành động thực thi pháp luật. Đoàn cưỡng chế thể hiện sự áp đặt và có nhiều dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, Luật Khai thác Tài nguyên - khoáng sản và cả Luật Dân sự!”.

Tại Điều 71 Luật đất đai 2013 quy định về cưỡng chế, thực hiện quyết định thu hồi đất như sau: Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản, thì ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.

Theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chế trường hợp trên đất bị cưỡng chế, có tài sản là vật nuôi, thì tổ chức chủ trì thực hiện cưỡng chế yêu cầu các hộ dân tự chuyển vật nuôi ra; nếu chủ hộ không tự nguyện thực hiện hoặc vắng mặt, thì tổ chức chủ trì thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại vật nuôi, yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa vật nuôi ra khỏi khu đất cưỡng chế, gửi đến nơi có điều kiện nuôi nhốt tạm và thông báo địa điểm, thời gian để người có tài sản nhận lại tài sản.

Đồng Nai: Cưỡng chế thu hồi đất có dấu hiệu khuất tất - Hình 4

Những người dân, sau khi bị chính quyền sở tại “cưỡng chế trắng” giờ không biết tài sản của mình đang ở đâu?

Nhiều người dân cho rằng, vụ cưỡng chế cho thấy sự không minh bạch của chính quyền TP. Biên Hòa, khi gia đình nhiều hộ dân không hề nhận được quyết định cưỡng chế. UBND TP. Biên Hòa vi phạm thời hạn ban hành quyết định cưỡng chế (từ khi ký quyết định cưỡng chế đến khi tổ chức cưỡng chế chỉ chưa đến 10 ngày, theo luật ít nhất là 15 ngày làm việc). Chưa kể, tài sản của người dân bị đoàn cưỡng chế “giữ” đã hơn 1 năm trôi qua, họ đã làm đơn kêu cứu khắp nơi, nhưng “trái bóng trách nhiệm” lại xoay vòng tứ phương - thành phố - thanh tra huyện rồi quay về phường (!?).

Vì theo các hộ dân, cái ngày 19/1/2016 (ngày 20/12 Âm lịch) định mệnh ấy, họ bị đuổi ra khỏi nhà và đoàn cưỡng chế cứ thế mà cào, múc..., họ không kịp mang theo bất cứ thứ gì!

Tiếp chúng tôi tại mảnh đất bị cưỡng chế trắng từ chính quyền TP. Biên Hoà, ông Nguyễn Văn Phượng, nói: “Mỗi khi nhớ lại cảnh nhà cửa, chuồng trại… nơi mà 7 hô dân đã từng sống hơn 2 thập niên, nhưng bị san bằng trong 1 ngày mà chúng tôi không sao cầm được nước mắt. Bởi, tất cả đã mất trắng sau một cuộc san ủi, đập phá”!

 Đồng Nai: Cưỡng chế thu hồi đất có dấu hiệu khuất tất - Hình 5

Mảnh đất của 7 hộ dân, giờ Công ty Amata ngang nhiên xây tường, đào mương thoát nước và “lập chốt” bảo vệ

Điều gây bức xúc nhất cho gia đình các hộ dân là việc UBND TP. Biên Hoà cưỡng chế thu hồi đất để giao lại một phần cho Công ty Amata sử dụng mà không có một phương án đền bù hay hỗ trợ nào. Vậy, Công ty Amata là ai? Và vì sao mà chính quyền TP. Biên Hoà lại “bất chấp pháp luật” - thu hồi cho bằng được đất của người dân để giao cho công ty này như vậy?...

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong số tới.

Cao Diên - Hải Dương