Bài 10: Ngang nhiên lấp suối xây nhà xưởng?
Ở Thiện Tân (Vĩnh Cửu, Đồng Nai), nhà xưởng không chỉ được phù phép trên đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, mà các chủ đất còn ngang nhiên san lấp, nắn dòng con suối Mơ, ép cọc đổ móng xây nhà xưởng, khiến cuộc sống người dân lâm cảnh bất an.
Lấp suối, nắn dòng xây nhà xưởng
Ở kỳ trước, chúng tôi đã phản ánh về tình trạng lấn chiếm đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp xây nhà xưởng tại xã Thiện Tân, hàng loạt quả đồi, con suối được cạo trắng, san ủi bằng phẳng, nhà xưởng kết cấu cột thép, mái tôn hiên ngang mọc lên, nhiều trụ điện được trồng mới.
Và để làm được điều đó, theo một số người dân, các chủ đất sẽ phải “làm luật” với phía chính quyền và thanh tra xây dựng. Cứ thế, người nọ bảo người kia, hàng trăm nhà xưởng ồ ạt được xây dựng, bất chấp hệ lụy?
Việc xây dựng trái phép này diễn ra tràn lan, bởi không chỉ ở ấp Bùng Binh, tình trạng xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp, nhất là đất rừng sản xuất cũng đang có chiều hướng tăng lên. Mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương, nhưng tình trạng trên vẫn không được giải quyết triệt để.
Điển hình, tại ấp Ông Hường, một nhà xưởng khủng đang được xây dựng kiên cố, khung thép bắn tôn trên diện tích 6.447 m2 đất rừng sản xuất - thuộc thửa số 173, Tờ bản đồ số 34, do ông Tống Văn Thái là chủ sử dụng. Theo ghi nhận của phóng viên, khu nhà xưởng này đã được ép cọc bê tông xây móng kiên cố, san lấp một phần suối Mơ với diện tích san lấp có chiều dài khoảng 100 m, xâm lấn một nửa dòng suối có chiều rộng khoảng 5 - 6 m.
Một nhà xưởng khủng đang được xây dựng kiên cố, khung thép bắn tôn trên diện tích 6.447 m2 đất rừng sản xuất (Ảnh: HD)
Một số người dân sống tại đây cho biết: “Chúng tôi xây dựng nhà trên đất ở, nhưng chỉ cần vi phạm nhỏ thôi, thì lực lượng chức năng đã vào lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ. Nhưng tại sao công trình nhà xưởng "khủng" tồn tại ngang nhiên trên đất rừng sản xuất, san lấp, lấn chiếm gần hết dòng suối Mơ, mà chính quyền lại không có động thái gì?”.Không chỉ mọc trên đất rừng sản xuất, nhà xưởng này còn lấp gần hết dòng suối Mơ (Ảnh: HD)
Không chỉ vậy, người dân cũng tỏ ra lo lắng khi nhà xưởng với quy mô đồ sộ lại được xây, gia cố giữa lòng suối; việc làm này liệu có đảm bảo an toàn?
Việc xây dựng trên nền đất giữa lòng suối như vậy thì nguy cơ sập đổ, công trình đè lên nhà cửa của người dân là rất lớn, chưa kể suối Mơ bị san lấp, thu hẹp dòng chảy nếu vào mùa mưa lũ, dòng nước lớn bị thu hẹp đột ngột - sẽ gây ra tình trạng sạt lở, đồng thời cuốn đi hoa màu và các công trình của người dân?…
Dư luận nghi vấn: Phải chăng, có sự “bảo kê", "bật đèn xanh” từ phía chính quyền địa phương, thì các chủ đất mới “cả gan” làm?
Xây cả “dãy phố” trên đất nông nghiệp... (?!)
Không chỉ san lấp suối, xây nhà xưởng trên đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp, mà ở Thiện Tân còn có hàng loạt “dãy phố” - “mọc” trên đất rừng, thậm chí là đất lúa như một khu phố hiện đại (!).
Nếu thoạt nhìn, không ai có thể biết được những “dãy phố” này là công trình sai phạm, bởi nó được đầu tư bài bản hạ tầng, nhà xây theo cùng một phong cách có diện tích 40 m2/căn, gồm một trệt 1 lầu, giá từ 500 - 600 triệu đồng/căn.
Trong vai người có nhu cầu mua nhà để ở, chúng tôi đã tiếp cận “dãy phố” và được biết, “khu phố” này được triển khai xây dựng từ vài năm trước, trước cả thời điểm có Kết luận thanh tra số 13032/KL-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai, ngày 29/11/2018 về việc thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai và xây dựng trên địa bàn các địa phương như Biên Hòa, An Viễn, Vĩnh Cửu...Dãy phố ngang nhiên mọc trên đất rừng sản xuất, bất chấp các cuộc thanh kiểm tra (Ảnh: HD)
Dù đã qua nhiều cuộc thanh kiểm tra, nhưng những “dãy phố” này vẫn “mọc” lên, đến nay đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng 2 dãy, dãy thứ 3 đang được tiếp tục xây dựng?
Được biết, đây là khu đất thuộc Tờ bản đồ số 35, có các thửa được đánh số từ 741 đến 745, và thửa 311, toàn bộ 6 thửa đất này có tổng diện tích 16.100,2 m2 đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, do bà Nguyễn Thị Hương là chủ sở hữu.
Cũng tại Tờ bản đồ số 35, còn có thửa số 195 với diện tích 1.944 m2 là đất ở tại nông thôn và đất rừng sản xuất, do ông Mai Ngọc Tuấn là chủ sở hữu. Nếu chỉ xây dựng trên phần đất ở tại nông thôn, thì hoàn toàn hợp pháp, nhưng phần diện tích xây dựng “dãy phố” của ông Mai Ngọc Tuấn lại được xây vắt lên đất nông nghiệp, chồng luôn lên phần diện tích đã được quy hoạch là sông, suối kênh rạch hơn 600 m2. Đặc biệt hơn cả đó là "dãy phố" này nằm vắt luôn lên phần diện tích đất trồng lúa nước tại thửa số 196, có diện tích 332 m2.
Dãy nhà tiếp theo vẫn đang được hình thành (Ảnh: HD)
Có thể dễ dàng nhận thấy cả “khu phố” này đang nhập nhèm giữa 2 loại đất và phần lớn được xây dựng trái phép trên đất rừng, đất nông nghiệp và cả đất lúa - vẫn ngày ngày được hoàn thiện, dù đã trải qua nhiều kỳ thanh kiểm tra, nó vẫn mặc nhiên tồn tại và dần được hợp thức hóa (?!).
Phải chăng, chủ đất có ‘phép thần thông" nào như trên phim ảnh, có thể che lấp cả “khu phố” để không cơ quan chức năng nào có thể nhìn thấy?
Đất đã được quy hoạch là sông, suối kênh rạch - cũng có thể phù phép chuyển đổi mục đích sử dụng được?...
Dư luận cứ chờ câu trả lời! Còn phía cơ quan chức năng ở đâu - thì có lẽ chỉ họ mới biết (!?).
Chưa hết, ngoài "dãy phố" kể trên, tại khu vực ấp Ông Hường, cũng đang xảy ra tình trạng phân lô nền trên hàng trăm ha đất rừng sản xuất. Theo quan sát của phóng viên, những căn nhà xây dựng không phép đang mọc lên như nấm cùng với nó là hạ tầng dần được hoàn thiện, bởi các chủ đất ra sức làm đường, kéo điện… Hằng ngày, đất rừng dần san phẳng, cào bằng để phục vụ cho việc phân lô. Việc làm này, diễn ra rầm rộ, nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng cơ quan chức năng.
Phải chăng, việc xây nhà trên đất rừng sản xuất là hợp pháp ở Thiện Tân?
Hàng trăm ha đất rừng sản xuất đang được phân lô ở ấp Ông Hường (Ảnh: HD)Đầu nậu ngang nhiên làm đường đấu điện, để phân lô (Ảnh: HD)
TH&CL sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Hải Dương