Quang cảnh buổi hội thảo
Sau một thời gian lấy ý kiến, chỉnh sửa, đến nay dự thảo luật có 4 chương, 38 điều. Nội dung hỗ trợ DN theo dự thảo luật bao gồm nhiều sự hỗ trợ chung, như: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng, thuế, mặt bằng sản xuất, ươm tạo và nâng cao năng lực công nghệ, mở rộng thị trường, hỗ trợ thông tin và tư vấn, phát triển nguồn nhân lực.
Dự thảo luật cũng có những nội dung hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, DN tham gia chuỗi liên kết ngành và chuỗi giá trị, Quỹ phát triển DNNVV.
Một điểm thu hút sự đồng tình của đông đảo DN, đại diện các hiệp hội ngành nghề, giới luật gia và các chuyên gia nghiên cứu là nên hay không nên sử dụng từ “hỗ trợ” đối với các DNNVV.
Quan điểm chung là DN dù ở quy mô nào cũng đều cần sự đối xử công bằng, cần được bảo vệ trước những rào cản pháp lý và trước những vướng mắc về thủ tục, về cơ chế, chính sách áp dụng hiện nay.
Các DNNVV cũng mong muốn được cạnh tranh lành mạnh và thực thi các chính sách pháp luật một cách nhất quán giữa các ban, ngành chức năng để tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển.
Ông Phan Đăng Tuất, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, các DN cần sự ủng hộ và bảo vệ hơn là hỗ trợ về bất cứ điều gì kể cả về tài chính, đất đai hay đầu tư công nghệ.
Việc hỗ trợ DN cũng cần cân đối nguồn lực quốc gia, khi hơn 97% DN là quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tương đương với khoảng 500.000 DN thì chỉ cần hỗ trợ 10 triệu đồng/DN, ngân sách quốc gia cũng khó có thể đáp ứng.
Chính vì thế, DN rất cần được tạo điều kiện bằng cơ chế, chính sách, bằng sự thuận lợi và minh bạch trong thực thi các quy định pháp luật và quan điểm được tôn trọng, được đối xử công bằng như các DN lớn hơn hay DN đầu tư nước ngoài khi tiếp cận tín dụng ngân hàng, tiếp cận đất đai và các cơ sở hạ tầng khác…
Theo ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, vấn đề quy mô DN và số lượng lao động của DN theo dự thảo luật cũng là điều đáng quan tâm.
Trong bối cảnh hội nhập, DN ngày càng phải nâng chất và đầu tư công nghệ, hiện đại hóa hệ thống máy móc để nâng cao năng suất lao động. Quy định DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ có lao động không quá 300 người, có tổng vốn không quá 100 tỷ đồng và doanh thu không quá 300 tỷ đồng là không phù hợp.
Thực tế hiện nay, nhiều DN có quy mô dưới 1.000 lao động đang được hưởng chính sách ưu đãi, nay chuyển cơ chế theo luật mới, liệu có khuyến khích các DN phấn đấu, phát triển hay không?
Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Đệ băn khoăn, DNNVV hoạt động tại các địa phương và nằm trong nhiều hiệp hội ngành hàng khác nhau, nếu theo dự thảo luật, trách nhiệm của Hiệp hội DNNVV Việt Nam rất lớn, những hỗ trợ của Nhà nước cho DNNVV gần như đều phải thông qua Hiệp hội DNNVV Việt Nam.
Trong khi đó, có nhiều DNNVV chỉ tham gia vào hiệp hội ngành hàng, hiệp hội DN tại các địa phương. Như vậy, những DN không tham gia hiệp hội DNNVV thì có được hưởng hỗ trợ không? Bên cạnh đó, quy định quá chi tiết vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội DNNVV Việt Nam trong dự thảo luật, vô hình trung yêu cầu các DNNVV phải vào hiệp hội này mới được hỗ trợ, điều này mất tính thị trường, tính cạnh tranh và tính đổi mới trong quan hệ lao động.
Nguyễn Kiên