Khu đất đầm thầu đã được ông Đinh Văn Dẫn chuyển nhượng cho các hộ dân làm nhà ở trái phép
Chính quyền có “làm ngơ”?
Năm 1999, thôn Ngọc Giang, Vĩnh Ngọc có chủ trương cho các xã viên thầu khu đầm ven sông Hồng (gần cầu Nhật Tân) để canh tác nông nghiệp và trả sản phẩm hàng năm cho HTX.
Theo đó, ông Đinh Văn Dẫn đã được thôn ký HĐ cho thầu hơn 10.000 mét đất trên để trồng cây, thả cá. Quá trình canh tác, từ năm 2009 đến nay, ông Dẫn đã tự ý viết giấy tờ mua bán, chuyển nhượng trái phép trên 1.000 mét vuông đất công trên cho 15 hộ dân địa phương và khu vực lân cận (trên 100 m2/suất) để làm nhà ở, khi bị phát giác và có nguy cơ bị cưỡng chế, thu hồi, các hộ dân đã tố cáo hành vi sai trái trên của ông Dẫn đến các cơ quan chức năng.
Trao đổi với PV, một trong những hộ dân mua đất trên cho biết, đến nay, ông Dẫn đã bán cho các hộ dân khoảng 15 suất (100 – 200 triệu đồng/suất). Trước kia, xã không cho làm nhà, nhưng các hộ dân đã “bảo nhau” đóng góp tiền cho cán bộ xã để họ “làm ngơ” cho các hộ làm nhà. Hiện đã có gần 10 hộ dân làm nhà ở; đã đăng ký tạm trú tạm vắng. Nhưng gần đây, khi các cơ quan chức năng phát hiện việc mua bán, chuyển nhượng và xây dựng trái quy định thì cán bộ xã xuống thu lại; giấy tờ mua bán, chuyển nhượng đã chuyển lên thôn, xã để phục vụ việc xác minh, điều tra.
Theo ông TVV, người mua đất: “Các hộ dân mua lại đất của ông Dẫn đều giấy tờ viết tay. chúng tôi biết nguồn gốc là đất thầu, nhưng số tiền mua không lớn, coi như là tiền thuê nhà hàng tháng, nếu chính quyền địa phương cho làm nhà ở thì tốt, không thì cũng chấp nhận thôi. Đến nay, các hộ dân chưa nhận được bất cứ văn bản, thông báo nào của chính quyền xã về việc cưỡng chế xây dựng trái phép”.
Công an huyện vào cuộc
Làm việc với ông Nguyễn Văn Mẫn, Trưởng thôn Ngọc Giang, được biết, từ năm 1999, xã giao cho thôn quản lý, sau đó thôn cho các hộ dân thầu lại để canh tác thả cá (5 năm ký HĐ 1 lần). Sau này, các hộ dân chuyển sang trồng cây ăn quả. Năm 2013, theo chủ trương của huyện, đã không cho dân thầu nữa và làm thanh lý HĐ với các hộ dân (đã chuyển cho huyện quản lý khu vực đất trên, thôn không được thu sản phẩm từ sau năm 2013).
Hiện nay, các hộ dân vẫn sử dụng để canh tác. Thời gian gần đây, xảy ra việc ông Dẫn tự ý chuyển nhượng cho các hộ dân, thôn cũng đã tổng hợp báo cáo lên lãnh đạo xã.
Làm việc với ông Trần Thế Huy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, được biết: “Năm 2012, xã đã xử lý cưỡng chế các hộ dân xây nhà ở trái phép tại khu vực trên, tuy nhiên vẫn chưa triệt để. Gần đây, có nghe thông tin người dân vẫn xây dựng nhà ở, chúng tôi đã rà soát và đúng là có việc này. Địa phương đã gửi thông báo, quyết định cưỡng chế đến các hộ dân”.
Đặt câu hỏi: Vì sao việc sai phạm đã diễn ra nhiều năm, địa điểm lại rất gần trụ sở UBND xã mà địa phương không có biện pháp xử lý dứt điểm? Ông Huy lên tiếng: “Do cấp dưới không báo cáo nên lãnh đạo xã không nắm được. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, nếu đúng có tiêu cực, sẽ xử lý nghiêm cán bộ vi phạm. Cần gì, PV cứ liên hệ với Phó chủ tịch UBND xã Trần Văn Thức”.
Ông Huy cũng cam kết, đến ngày 15/4, địa phương sẽ tổ chức cưỡng chế những sai phạm trên.
Liên hệ làm việc với ông Thức, nhóm PV cũng không nhận được sự hợp tác, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã. Chúng tôi không cung cấp các biên bản, quyết định cưỡng chế cho báo chí được. Là cấp dưới, tôi có cái khó của mình, mong PV thông cảm”, ông Thức nói.
Thiết nghĩ, các biên bản vi phạm, xử lý vi phạm, quyết định cưỡng chế (nếu có) là việc công khai, minh bạch, nếu địa phương đã thực sự xử lý theo đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng thẩm quyền thì việc cung cấp hồ sơ, giấy tờ cho báo chí, liệu có khó khăn như lời vị lãnh đạo xã Vĩnh Ngọc?
Được biết, Đội Cảnh sát kinh tế (Công an huyện Đông Anh) đã vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thương hiệu & Công luận tiếp tục cập nhật phản ánh tới bạn đọc!
Nguyễn Kiên – Tâm An