Hợp đồng... lỏng lẻo?

Theo hồ sơ, ngày 19/11/2012, Giữa Công ty Cổ phần Dịch vụ vận tải Dầu khí Cửu Long (Công ty Dầu khí Cửu Long) và Công ty TNHH Cửu Nguyễn (Công ty Cửu Nguyễn) ký Hợp đồng số 57A về việc giao khoán quản lý, điều hành xe Taxi Dầu Khí. Theo đó, Công ty Dầu khí Cửu Long giao cho Công ty Cửu Nguyễn 8 xe taxi, trị giá hơn 1,7 tỷ đồng và Công ty Cửu Nguyễn phải ký quỹ 528 triệu đồng, hàng tháng phải đóng thêm hơn 34 triệu đồng.

Đưa ra xét xử vụ “cướp” taxi gây chấn động Sài Gòn năm 2013 - Hình 1

Hồ sơ vụ án do bà Nguyễn Cửu Thị Lành cung cấp

Ngoài ra, ngày 29/3/2013, hai công ty còn ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với nội dung, Công ty Cửu Nguyễn thuê xe của Công ty Dầu khí Cửu Long để khai thác dịch vụ taxi tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất với mức thuê 400.000 đồng/xe mỗi ngày đối với xe 5 chỗ và 600.000 đồng/xe đối với xe 7 chỗ. Theo hợp đồng này, Công ty Dầu khí Cửu Long giao cho Công ty Cửu Nguyễn 42 xe taxi các loại.

Thực hiện các thỏa thuận trên, Công ty Dầu khí Cửu Long đã giao xe taxi cho Công ty Cửu Nguyễn quản lý, sử dụng đồng thời còn bổ nhiệm bà Nguyễn Cửu Thị Lành - Giám đốc Công ty Cửu Nguyễn làm người phụ trách điều hành của hãng Taxi Dầu khí tại điểm sân bay Tân Sơn Nhất.

Nhưng chỉ một thời gian không dài, việc hợp tác này đã gặp trục trặc do có bất đồng về vấn đề tiền bạc. Trong khi hai bên chưa thương lượng để giải quyết, thì phía Công ty Dầu khí Cửu Long đã “ra tay” trước bằng việc cử người thu hồi xe đã giao cho Công ty Cửu Nguyễn theo cách giống như... trong phim hành động!

Theo tường trình của một số lái xe của Công ty Cửu Nguyễn, ngày 14/10/2013, một số khách lên xe taxi không mang theo hành lý, yêu cầu lái xe đi lòng vòng vài kilômét rồi bất ngờ yêu cầu lái xe rời xe và trả lại xe cho Công ty Dầu khí Cửu Long. Các tài xế bị đòi xe hoàn toàn bất ngờ trước tình huống trớ trêu này và họ không còn cách nào khác là phải giao xe theo yêu cầu. Nhiều lái xe phản ánh, họ còn chưa kịp thu hồi tài sản cá nhân và tiền bạc trên xe nên đã bị lấy đi mất.

Đưa ra xét xử vụ “cướp” taxi gây chấn động Sài Gòn năm 2013 - Hình 2

Bà Lành (áo đen) bên các tài xế của hãng Taxi dầu khí Cửu Long trong những ngày chưa bị “cướp"

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Cửu Thị Lành cho rằng, bà bị “dụ” trong việc ký kết hợp đồng giao khoán quản lý, điều hành khai thác đội xe taxi. Thực chất giữa bà và Công ty Cửu Long đã nhiều lần hợp đồng miệng về vấn đề mua xe thương quyền.

Theo bà Lành: “Trước đây, tôi đã từng ký một hợp đồng mua 8 xe (thương quyền). Hợp đồng giao khoán 42 xe taxi được lãnh đạo Công ty Cửu Long nói sẽ ủng hộ trong việc bán xe thương quyền. Tổng giá trị 50 xe là 11 tỷ đồng, Cửu Long yêu cầu Cửu Nguyễn đưa trước 3 tỷ đồng, nhưng do không có tiền nên mới đưa 1 tỷ 428 triệu đồng làm 2 lần: Lần một 900 triệu đồng và lần hai 528 triệu. Tuy nhiên, phía Công ty Cửu Long đã bắt tôi lên lấy lại số tiền 900 triệu đồng, nếu không sẽ thanh lý hợp đồng nhằm biến số tiền còn lại tôi đã nộp thành tiền thuê xe, nhưng tôi không chịu”.

Cũng theo bà Lành: "Do chưa có đủ số tiền 3 tỷ đồng nên hàng ngày phải đóng nộp hết doanh thu về Cửu Long với số tiền dao động từ 37- 55 triệu đồng/ngày. Sau 3 năm, toàn bộ số xe trên sẽ thuộc về tôi như lời hứa hẹn của Giám đốc Công ty Cửu Long”.

Bà Lành còn cho biết thêm là đến tháng 10/2013, phía Công ty Dầu khí Cửu Long còn nợ bà tiền lương điều hành, lương tài xế (bà Lành ứng trả trước) tiền thuê bãi… hơn 4,8 tỷ đồng.

“Dân sự hoá” trong vụ án hình sự?

Sau khi sự việc xảy ra, các tài xế của Công ty Cửu Nguyễn đã trình báo sự việc với công ty và công ty cũng đã có đơn trình báo đến Công an. Tuy nhiên, các cơ quan thụ lý đơn cho rằng đây là một tranh chấp dân sự nên đã hướng dẫn Công ty Cửu Nguyễn khởi kiện ra tòa án.

Đưa ra xét xử vụ “cướp” taxi gây chấn động Sài Gòn năm 2013 - Hình 3

Sau khi sự việc xảy ra, Công ty Cửu Nguyễn đã có đơn trình báo đến công an

Theo bà Nguyễn Cửu Thị Lành, sau khi sự việc cưỡng ép tài xế giao xe xảy ra, bà Lành đã đến gặp lãnh đạo Công ty Dầu khí Cửu Long để yêu cầu chấm dứt việc làm bất hợp pháp này. Tuy nhiên, phía Công ty Dầu khí Cửu Long không những không chấp nhận, mà còn đòi bà Lành phải thanh lý Hợp đồng 57A và không được nhận lại tiền ký quỹ (mà theo Công ty Cửu Nguyễn, đó là tiền mua bán 8 xe taxi).

Hai bên đã không thống nhất được việc giải quyết tranh chấp và đã có lời đôi co với nhau. Theo Công ty Dầu khí Cửu Long thì, bà Lành đe dọa cán bộ, nhân viên của công ty.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc này, theo bà Lành thì bà đã bị chính ông Nguyễn Duyên Hiếu - Giám đốc Công ty Dầu khí Cửu Long dùng vũ lực để đuổi bà ra khỏi công ty khiến bà bị thương tích, theo kết luận giám định tư pháp mà Công an quận Bình Thạnh, TP. HCM thông báo thì bà Lành bị tổn hại 13% sức khỏe.

Đưa ra xét xử vụ “cướp” taxi gây chấn động Sài Gòn năm 2013 - Hình 4

Không thống nhất được việc giải quyết tranh chấp, Giám đốc Công ty Dầu khí Cửu Long đã từng dùng vũ lực để đuổi bà ra khỏi công ty khiến bà bị thương tích

Luật sư Từ Tiến Đạt, Đoàn Luật sư TP. HCM thì, có 2 lý do cần xem xét xử lý hình sự: “Việc gây thương tích đối với bà Lành đã đủ dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích. Hơn nữa, việc cưỡng ép tài xế phải giao xe cũng là hành vi có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản, cần phải điều tra, làm rõ trước khi kết luận đó là tranh chấp dân sự hay tội phạm. Trong vụ việc này, cơ quan chức năng chưa điều tra làm rõ phản ánh của doanh nghiệp mà đã kết luận đây là tranh chấp dân sự là sự thiếu trách nhiệm”.

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến phiên toà và thông tin đến bạn đọc.

Cao Diên - Hải Dương