Theo đó, kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng nông, lâm sản dự kiến đạt 590 triệu USD; tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó ưu tiên các dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, kết nối nông dân và doanh nghiệp trong nước với chuỗi toàn cầu.
Dự kiến đến 2030, thu hút FDI đạt khoảng 97,5 triệu USD; thu hút vốn vay ODA cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong giai đoạn 2026-2030 dự kiến khoảng 1.720 tỷ đồng;
Phối hợp tham gia các Chương trình đào tạo, tập huấn tại nước ngoài trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của các bộ, ngành Trung ương theo quy định và phù hợp với điều kiện của tỉnh; Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành có liên quan triển khai thúc đẩy hợp tác nông nghiệp với các nước châu Phi theo hình thức song phương hoặc ba bên.
Do đó, UBND tỉnh đề ra 3 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Chủ động hội nhập quốc tế, phát huy lợi thế tốt nhất của ngành nông nghiệp Gia Lai; tăng cường quan hệ đối tác, xây dựng hình ảnh tốt đẹp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam; tối ưu hóa việc huy động và sử dụng nguồn lực bên ngoài cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch. Tổng hợp báo cáo, tổ chức theo dõi, đánh giá kết quả triển khai thực hiện; tổng hợp, tham mưu đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn, điều kiện thực tiễn tại địa phương.
Tiếp tục triển khai Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 20/8/2024 của UBND tỉnh. Tăng cường phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp xanh, an toàn, hữu cơ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và trong nước. Chú trọng triển khai thực hiện Quyết định của Trung ương, của tỉnh về việc khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh; tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030.
Đẩy mạnh hợp tác, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, tận dụng công nghệ 4.0 để thực hiện số hóa ngành nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất và tăng khả năng cạnh tranh của nông sản trong tỉnh. Xây dựng nông thôn mới theo hướng xanh, bền vững, tăng tốc độ các xã đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng làng sinh thái, làng thông minh thích ứng với khí hậu.
UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm của tỉnh theo quy định, bao gồm xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Triển khai công tác hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; hàng năm đề xuất UBND tỉnh ban hành các kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trọng tâm là triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị nông nghiệp.
Sở Công Thương là cơ quan đầu mối đôn đốc triển khai có hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã tham gia; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các rào cản kỹ thuật và các tranh chấp phát sinh trong thương mại đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nhằm khai thác hiệu quả của các FTA, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng nông sản trong tỉnh.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ trong nước và quốc tế.
Tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tại các hội chợ, triển lãm quốc tế chuyên ngành và đa ngành; gặp gỡ, đối thoại với các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu để nắm tình hình, kịp thời giải quyết hoặc đề xuất UBND tỉnh giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan xây dựng, lồng ghép, bổ sung các nhiệm vụ về hợp tác quốc tế vào các kế hoạch, chương trình của đơn vị, đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành có liên quan trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch.
Thuận Yến(t/h)