Theo người dân, tình trạng này đã diễn ra suốt thời gian dài, nhưng chính quyền sở tại không có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Tình trạng đổ rác thải, phế thải xây dựng không đúng nơi quy định xung quanh khu đô thị trên địa bàn các xã Dương Xá, Kiêu Kỵ, Đa Tốn, thị trấn Trâu Quỳ, gây ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan đô thị và bức xúc trong nhân dân. UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã có Văn bản số 458/UBND-QLĐT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác vận chuyển rác thải, phế thải xây dựng của dự án Khu đô thị Gia Lâm.

Văn bản số 458/UBND-QLĐTVăn bản số 458/UBND-QLĐT

Theo đó, UBND huyện Gia Lâm đã yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm chỉ đạo các nhà thầu thi công tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải xây dựng, sinh hoạt. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc phát hiện và xử lý nghiêm các đơn vị vận chuyển rác thải, phế thải không đúng nơi quy định.

Bên cạnh đó, giao Công an huyện, UBND các xã Dương Xá, Kiêu Kỵ, Đa Tốn, thị trấn Trâu Quỳ chủ động phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm, các nhà thầu thi công kiểm tra, giám sát các đơn vị vận chuyển rác thải, phế thải xây dựng từ Khu đô thị Gia Lâm đảm bảo vệ sinh môi trường và đúng với hợp đồng đã ký kết, xử lý nghiêm các trường hợp đổ trộm rác thải, phế thải xây dựng trên địa bàn...

Mặc dù UBND huyện Gia Lâm đã có văn bản chỉ đạo, tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng xe vận chuyển rác thải, phế thải xây dựng vẫn “ung dung” ra vào một khu đất nông nghiệp thuộc thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) để đổ rác thải, chất thải xây dựng, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Đặc biệt, khu vực này chỉ cách dự án Vinhomes Ocean Park hơn 100m và các đối tượng liên tục thực hiện hành vi trên trong nhiều ngày, nhưng chính quyền sở tại không hề có biện pháp ngăn chặn, xử lý dù biết và đã ra tận hiện trường để chứng kiến (?!).

Khu đất nông nghiệp thuộc thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội)Khu đất nông nghiệp thuộc thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội)Khu đất nông nghiệp thuộc thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội)

Theo ghi nhận của phóng viên ngày 6/5/2020, tại khu đất nông nghiệp nằm ngay đường gom cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thuộc xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội), có hàng chục chiếc xe môi trường vận chuyển rác thải, phế thải xây dựng di chuyển vào và ngang nhiên chút hàng xuống. Sau đó, một chiếc máy ủi nhanh chóng san bằng bề mặt, đồng thời phủ một lớp đất màu lên trên để tránh bị cơ quan chức năng để ý.

Cho dù có sự xuất hiện của cán bộ địa chính xã Đa Tốn tận mắt chứng kiến, nhưng mọi hoạt động tại bãi tập kết rác thải, phế thải xây dựng vẫn diễn ra một cách bình thường. Trước sự có mặt của 2 cán bộ địa chính xã Đa Tốn, phóng viên đã nhanh chóng phản ánh, nhưng 2 người này cho biết sẽ gọi cho công an ra xử lý. Tuy nhiên, xe vận chuyển rác thải, phế thải xây dựng vẫn ung dung ra vào đổ trong suốt thời gian phóng viên ghi nhận, nhưng không thấy có sự xuất hiện của lực lượng chức năng.

Được biết, các đơn vị vệ sinh môi trường này ký hợp đồng nhận vận chuyển rác thải, phế thải xây dựng, sinh hoạt cho một số nhà thầu như  Delta, Coteccons, Unicons… tại các dự án trên địa bàn Hà Nội. Và theo như cam kết, các đơn vị vệ sinh môi trường sẽ phải đổ đúng bãi đổ thải đã được cấp phép như trong hợp đồng với đơn vị nhà thầu.

Tình trạng này diễn ra trong nhiều ngày nhưng cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý?Tình trạng này diễn ra trong nhiều ngày nhưng cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý?

Trong quá trình ghi nhận, phóng viên đã trực tiếp liên hệ với ông Đỗ Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) nhằm phối hợp và ngăn chặn tính trạng trên. Tuy nhiên, trước thông tin phản ánh của phóng viên, ông Kiên còn không nắm được và hỏi phóng viên "chỗ đấy là chỗ nào?". Mặc dù tình trạng này đã diễn ra trong suốt nhiều ngày qua.

“Khu đất thuộc thôn Thuận Tốn là chỗ nào"... Sau một hồi miêu tả thì ông Kiên cũng nắm được khu đất trên và cho biết khu vực này là đất nông nghiệp. "Tôi sẽ cho anh em công an xuống kiểm tra..”, ông Kiên nói...

Tình trạng đổ chất thải, phế thải xây dựng diễn ra ngày càng nhiều, nhất là những diện tích đất nông nghiệp thuộc khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng nói trên vẫn còn lỏng lẻo, bên cạnh đó, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe nên tình trạng trên ngày càng nở rộ.

Hơn nữa, tại một số địa phương, lãnh đạo chính quyền sở tại còn tiếp tay, làm ngơ cho những đối tượng là chủ sở hữu khu đất hoặc người đi thuê lại đất nhằm kêu gọi các xe môi trường thu gom rác thải, phế thải xây dựng bên trong các dự án về đổ với mục đích phân loại sắt vụn, phế liệu... để bán kiếm lời.

Chỉ vì chút lợi ích nhỏ trước mặt mà những đối tượng trên bất chấp thực hiện hành vì và không nghĩ đến tác hại về sau này. Đa phần rác thải, phế thải xây dựng được thu gom từ các công trường đều là ni lông, bao bì, gỗ... những thứ này đều là vật dụng khó phân hủy, sau khi trôn lấp xuống lòng đất, nó có thể tồn tại hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, môi trường sống gây ra nhiều hệ lụy về sau.

Huy Trung