Đó là một tin không vui cho các nhà sản xuất trong nước, đặc biệt với Đạm Ninh Bình, Hà Bắc và DAP Đình Vũ, Lào Cai…
Rớt giá thê thảm
Với đợt tăng giá trước, nông dân đã ngay lập tức phải móc hầu bao nhiều hơn cho cùng 1 đơn vị sản phẩm; nay khi giá thế giới giảm vài chục, hàng trăm USD/tấn thì dường như nông dân cũng chẳng được hưởng lợi bao nhiêu!
Trên thế giới, doanh số bán hàng sụt giảm mạnh ở hầu hết các khu vực và các nhà sản xuất ở Ai Cập đã phải bán phần lớn đơn hàng urea xếp tháng 5 với giá FOB khoảng 190 USD/tấn, nhưng đó vẫn còn là may bởi bán được giá hời. Các đơn hàng xếp tháng 6 đang được chào ở mức thấp hơn 185 USD/tấn FOB. Tại khu vực Baltic, giá còn tệ hơn khi ở mức dưới 180 USD/tấn FOB và Yuzhny, Trung Đông đã chạm ngưỡng 170 USD/tấn FOB. Với mức giá này, một tàu urea 25.000 - 30.000 tấn, nếu được xếp từ Nga về Việt Nam, sẽ chỉ phản ánh mức giá khoảng 215 - 220 USD/tấn CIF (tương đương 5.160.000 - 5.270.000 VND/tấn, hàng đã đóng bao 50 kg/bao tại Việt Nam).
Hai năm trước, Trung Quốc được biết đến là nơi xuất khẩu lớn nhất thế giới; nhưng hiện nay với mức giá 170 USD/tấn FOB tại thị trường Trung Đông hoặc thấp hơn từ Nga (theo hiệp định thương mại thì urea và DAP từ Nga về Việt Nam không chịu mức thuế suất 6% như từ thị trường Trung Quốc và Trung Đông), hàng Trung Quốc đã hết cửa cạnh tranh và dường như không ảnh hưởng mấy đến giá thế giới. Thậm chí, với mức giá nội địa Trung Quốc, đang phản ánh ở mức cao hơn thế giới nên rất có thể một số lô hàng giá rẻ từ Nga, Trung Đông sẽ được xuất ngược vào Trung Quốc.
Tình hình chung đó là có rất ít hy vọng cho sự tăng về nhu cầu urea và cả DAP để vực giá lên vào nửa sau tháng 5 đầu tháng 6 và đâu là giá đáy - vẫn còn là một câu hỏi đang bỏ ngỏ.
Những nghịch lý
Khi giá phân bón thế giới tăng thì ngay lập tức, người nông dân phải móc thêm hầu bao vốn đã còm cõi để trả nhiều hơn cho một đơn vị sản phẩm. Vậy trước xu hướng giá phân bón thế giới xuống mạnh như hiện nay, nông dân có được hưởng lợi tương đương?
Câu trả lời dường như là không! Mặc dù cũng đã có sự điều chỉnh, nhưng thị trường trong nước hiện tại vẫn phản ánh mức giá cao khi đến tay nông dân. Xếp theo thứ tự, mức giá bán urea đại lý tại các khu vực Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên hiện đang phản ánh giá cao nhất là urea Phú Mỹ (6.200 - 6.300 VND/kg), Hà Bắc và Ninh Bình (5.900 - 6.000 VND/kg), Cà Mau (5.800 - 5.900 VND/kg) và urea nhập khẩu (cả hạt đục và hạt trong) ở mức 5.600 -5.700 VND/kg.
Vẫn có một khoảng cách rất lớn giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước, nông dân thì chẳng được hưởng lợi bao nhiêu, trong khi giá nông sản ngày càng xuống thấp. Chẳng hạn hồ tiêu, từ trên 200.000 VND/kg năm ngoái, đã rớt xuống dưới 100.000 VND/kg năm nay. Người trồng lúa, ngoại trừ nông dân dám mạnh dạn chuyển sang cấy lúa cao cấp, lúa Jamonica, DS1 theo kêu gọi của Chính phủ thì còn có lãi, còn lại các dòng lúa thấp cấp đều thu không đủ chi; các loại nông sản khác như cao su, cà phê, sắn (mỳ)… cũng chẳng sáng sủa hơn.
Rõ ràng, nông dân đã chẳng được lợi hơn khi giá phân bón thế giới lao dốc và dường như chính sách áp thuế 6% đối với urea và DAP hiện nay đang xếp thêm gánh nặng lên nông dân.
Vũ Duy Hải