Tiêu hủy hàng chục tấn phân bón giả
Từ ngày 15/3/2017 đến nay, Chi cục QLTT TP. HCM đã kiểm tra 39 điểm sản xuất kinh doanh, phát hiện 29 điểm sai phạm. Các hành vi vi phạm chủ yếu là hàng hóa không hóa đơn chứng từ, nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc hoặc ghi không đúng sự thật.
Đa phần phân bón khi bị bắt giữ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không công bố hợp quy, không lưu hồ sơ kết quả thử nghiệm của từng lô sản xuất phân bón đã xuất xưởng.
Lực lượng QLTT phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị thành phố tiêu huỷ 22 tấn phân bón
Các điểm sản xuất, kinh doanh vi phạm này hoạt động không giấy phép. Hàng hóa vi phạm với số lượng lớn, chủ yếu là đối với phân bón NPK, Ure, DAP, phân bón hiệu Wopropert, phân trung vi lượng bón rễ.
Lực lượng kiểm tra còn phát hiện 49.300 kg phân bón Untress organic ngoại nhập, vi phạm không có nhãn phụ.
Mới đây nhất, ngày 9/5, lực lượng QLTT TP. HCM phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị thành phố tiêu huỷ 22 tấn phân bón, phân urê, chất tạo đất các loại được lực lượng kiểm tra phát hiện trong thời gian qua.
Theo đó, các loại phân mang đi tiêu huỷ, gồm: Phân bón Calcium nitrate boron, NPK 16-16-16 của Công ty CP XNK Asia hơn 20 tấn; phân urê của Công ty TNHH phân bón Kiến Vàng (700 kg) và chất tạo đất Soil của Công ty TNHH đầu tư phát triển Song Nam (1 tấn). Đây là các loại phân bón không đảm bảo chất lượng, giả mạo nhãn hàng và không có hạn sử dụng.
Trong tháng 4/2017, Chi cục QLTT kiểm tra 11 vụ, phát hiện 6 vụ vi phạm về hàng hóa không hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tạm giữ 62 kg phân bón NPK, nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc. Tổng hàng hóa vi phạm là 8.930 kg phân bón.
Tạm giữ 129 đơn vị sản phẩm phân bón, nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc, nhãn ghi không đúng sự thật. Vi phạm khác là kinh doanh phân bón không xếp lên kệ mà để phân bón tiếp xúc trực tiếp với nền xi măng; không giấy phép; thiết lập website bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước...
Mỗi năm thiệt hại 60.000 tỷ đồng
Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Đông Nam Bộ là một trong những khu vực xuất hiện tình trạng kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng “nóng” của cả nước.
Theo thống kê của Chi cục QLTT TP. HCM, mỗi tuần bắt giữ hàng ngàn kg phân bón không rõ nguồn gốc xuất xứ
Cả nước hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón với sản lượng trên 15 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2016, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý gần 1.500 vụ vi phạm trong lĩnh vực này. Nhìn rộng hơn, phân bón giả và kém chất lượng đã khiến cả nền kinh tế thiệt hại mỗi năm khoảng 60.000 tỷ đồng.
Sở dĩ phân bón giả “tung hoành”, do lợi nhuận lớn và khâu kiểm soát chưa được chặt chẽ. Những năm qua, thị trường phân bón bị nhiễu loạn bởi các loại hàng giả, hàng kém chất lượng. Không ai khác, chính người nông dân, đang từng ngày phải gánh chịu thiệt hại từ phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Nguyên nhân của việc người dân mua phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng, một phần do những đại lý kinh doanh mặt hàng này thường xuyên được các đối tượng tiếp thị với mức chiết khấu có khi lên đến 50%.
Thực tế, việc phát hiện và xử lý kịp thời phân bón giả phụ thuộc rất lớn vào nông dân. Vì qua sử dụng, bà con có thể xác định được chất lượng thực của sản phẩm. Tuy nhiên, sau khi phát hiện, thường nông dân không giữ lại sản phẩm nên công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, để biết chất lượng phân bón thì phải thông qua việc kiểm tra lấy mẫu, song theo ngành quản lý thị trường các tỉnh, công tác này đang bộc lộ nhiều bất cập, chồng chéo. Ví như, quy chuẩn giữa sở KH&CN và sở NN&PTNT có sự khác nhau.
Sở KH&CN kiểm định tất cả các thành phần, còn sở NN&PTNT chỉ kiểm định các thành phần chính nên thường xảy ra sự sai lệch. Có những vụ việc, sở KH&CN cho là sai phạm do có những thành phần hỗn hợp khác không đạt tiêu chuẩn. Trong khi đó, sở NN&PTNT lại cho là không vi phạm, vì các thành phần chính đạt tiêu chuẩn về hàm lượng...
Hàn Chương - Hải Dương