Bị đình chỉ, vẫn ngang nhiên khai thác

Như Thương hiệu và Công luận đã thông tin, thời gian qua, trên địa bàn xã Hà Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ) xuất hiện một số tượng lợi dụng việc san gạt mặt bằng và hạ cốt nền, để khai thác quặng (cao lanh - PV) trái phép với số lượng lớn để mang đi tiêu thụ, khiến tài nguyên khoáng sản bị đánh cắp giữa “thanh thiên bạch nhật”… Đáng nói, thực trạng trên diễn ra trong thời gian dài, nhưng đến nay chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có thẩm quyền vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để, khiến người dân nơi đây bức xúc.

Đơn cử, tình trạng này đang diễn ra tại khu đất thuộc hộ gia đình ông Nguyễn Văn Huy ở khu 5, xã Hà Lương (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ). Dù trước đó, ngày 28/12/2018, UBND xã Hà Lương đã có biên bản số 08/BB-ĐC về việc yêu cầu tạm dừng thi công san gạt mặt bằng hạ cốt nền, xây dựng nhà ở đối với hộ ông Nguyễn Văn Huy.

Nguyên nhân là trong quá trình thi công, hộ gia đình đã phát hiện dưới tầng đất mặt có lớp đất màu vàng trắng nghi là khoáng sản. Qua đó, UBND xã lập biên bản, yêu cầu hộ gia đình ông Huy tạm dừng thi công san gạt để xã báo cáo phòng Tài nguyên và Môi trường và huyện Hạ Hòa.

Biên bản số 08/BB-ĐC ngày 28/12/2019 của UBND xã Hà Lương về việc đình chỉ, yêu cầu gia đình ông Nguyễn Văn Huy tạm dừng thi công san gặt mặt bằng.Biên bản số 08/BB-ĐC ngày 28/12/2019 của UBND xã Hà Lương về việc đình chỉ, yêu cầu gia đình ông Nguyễn Văn Huy tạm dừng thi công san gặt mặt bằng.

Mặc dù đã bị đình chỉ, yêu cầu dừng thi công san gạt, nhưng thời gian gần đây tại khu đất của gia đình ông Nguyễn Văn Huy lại thường xuyên xuất hiện các đối tượng ngang nhiên đưa phương tiện, máy móc vào san gạt, múc hàng nghìn m3 đất có màu trắng vàng chở đi tiêu thụ.

Theo những người dân sống tại khu 5, xã Hà Lương cho hay, dưới khu đất của gia đình ông Huy có mỏ cao lanh với trữ lượng lớn. Do đó, việc xin san gạt, hạ cốt chỉ là “chiêu bài” để các đối tượng khai thác khoáng sản. Mỗi ngày, có tới hàng trăm lượt xe ô tô trọng tải lớn chở đầy đất có màu vàng trắng mang đi tiêu thụ.

Theo ghi nhận của phóng viên (ngày 12/08/2019), tại khu đất này luôn thường trực hàng chục chiếc xe ô tô tải loại 3 chân, nối đuôi nhau ra vào để vận chuyển đất màu trắng vàng từ khu vực phía sau nhà ông Nguyễn Văn Huy, sau đó di chuyển về hướng thị trấn Hạ Hòa (Phú Thọ).

Hiện trường các đối tượng khai thác cao lanh trái phép tại khu đất đồi của gia đình ông Nguyễn Văn Huy ở khu 5 xã Hà Lương (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ).
Hiện trường các đối tượng khai thác cao lanh trái phép tại khu đất đồi của gia đình ông Nguyễn Văn Huy ở khu 5 xã Hà Lương (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ).Hiện trường các đối tượng khai thác cao lanh trái phép tại khu đất đồi của gia đình ông Nguyễn Văn Huy ở khu 5 xã Hà Lương (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ).

Đáng nói, khi phóng viên có mặt, ghi nhận tại hiện trường, thì xuất hiện chiếc xe ô tô con mang BKS 19A-191.85 án ngữ ngay lối ra vào thuộc khu đất của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Huy (nơi các đối tượng đang lợi dụng việc san, hạ cốt nền để khai thác cao lanh trái phép). Theo đó, những người trên xe xưng là Công an Kinh tế tỉnh Phú Thọ, nhưng lại không có động thái ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác tại đây.

Chỉ đến khi phát hiện thấy sự có mặt của phóng viên, thì những người này mới di chuyển vào hiện trường và yêu cầu ông Mạnh (người thực hiện việc san, hạ cốt nền) dừng máy móc. Tại hiện trường lúc này có 2 chiếc máy múc, 3 chiếc ô tô tải. Tiếp đó, những người xưng là Công an Kinh tế tỉnh Phú Thọ mời các đối tượng vào nhà ông Nguyễn Văn Huy…

Xử lý hình sự nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thể - Chủ tịch UBND xã Hà Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ) cho biết: “Ngày 28/12/2018, UBND xã nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về tình trạng khai thác cao lanh trái phép; xã đã tiến hành xuống kiểm tra và phát hiện hộ gia đình ông Nguyễn Văn Huy ở khu 5, xã Hà Lương đang khai thác cao lanh trái phép. Theo đó, cán bộ xã đã lập biên bản và yêu cầu hộ gia đình ông Huy dừng việc san gạt để báo cáo lên UBND huyện Hạ Hòa.

Đến khoảng tháng 3/2019, gia đình nhà ông Huy lại tiếp tục thực hiện việc san gạt và chính quyền xã lại yêu cầu gia đình ông Huy dừng ngay việc san gạt. Tuy nhiên, do thẩm quyền của xã có hạn, nên xã không thể ngăn chặn, xử lý dứt điểm được. Sau khi phát hiện, chúng tôi đã có văn bản báo cáo UBND huyện Hạ Hòa để xin ý kiến chỉ đạo”.

Khi được hỏi về những người mặc quân phục, xưng là Công an Kinh tế tỉnh Phú Thọ (theo ghi nhận của phóng viên), thì ông Thể cho biết: “Không nắm được. Hiện, tôi đã cử đồng chí Trưởng Công an xã vào phối hợp xử lý”. Đối với người tên Mạnh, ông Thể cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để có biện pháp xử lý.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 12/8 công an xã Hà Lương đã phối hợp với cơ quan chức năng liên quan lập biên bản vụ việc và thu giữ phương tiện, máy móc. Tuy nhiên, chỉ sau đó một ngày thì tất cả máy móc, xe ô tô tải bị thu giữ đã được cơ quan chức năng hoàn trả lại...(!?)

Nhận định dưới góc độ pháp lý, Luật sư Vi Văn Diện – Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh cho biết: "Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, các đối tượng khai thác đất trái phép có thể bị xử phạt hành chính về tội “Vi phạm về khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” (Điều 44 Nghị định 33/2017/NĐ-CP).

Hình thức xử phạt bao gồm phạt tiền, tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản hoặc toàn bộ giá trị bằng tiền của khối lượng khoáng sản đã tiêu thụ; tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm và buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.

Trường hợp hành vi khai thác khoáng sản trái phép có dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ được xử lý hình sự theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự.

Đối với việc công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tại địa phương, theo quy định tại Điều 81 Luật Khoáng sản 2010 thì Trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản của Uỷ ban nhân dân các cấp.  Ngoài ra, UBND các cấp có trách nhiệm bảo vệ kháng sản chưa khai thác theo Điều 17 Nghị định 158/2016/NĐ-CP.

Theo đó, tỉnh Phú Thọ cũng đã ban hành Chị thị Số: 07/CT-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2018 về việc tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nêu rõ trách nhiệm của từng Sở, ngành, địa phương… Do vậy, bộ phận nào, địa phương nào buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép thì sẽ bị xử lý theo quy định…"

Trước thực trạng nêu trên, đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ, huyện Hạ Hòa và cơ quan chức năng có thầm quyền cần vào cuộc kiểm tra, đồng thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng ngang nhiên khai thác cao lanh trái phép tại xã Hà Lương. Đồng thời, cần có hình thức xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức có dấu hiệu buông lỏng công tác quản lý, để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Điều 227 (Bộ luật Hình sự). Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên

1. Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong những trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;

b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 trở lên;

c) Có tổ chức;

d) Gây sự cố môi trường;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 04 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

e) Làm chết người.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nhóm PV