Giáo dục học sinh bằng cách áp dụng hình thức phạt tiền mỗi khi học sinh mắc lỗi - đã và đang xảy ra tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), trong nhiều năm liền. 

Cụ thể, nhà trường đã chỉ đạo cho thu phạt học sinh phạm lỗi bằng hình thức thu tiền. Rất nhiều lý do được đưa ra để phạt học sinh như mất trật tự trong giờ học, tụ tập hút thuốc lá, sử dụng điện thoại di động…

Hà Nội: Hàng loạt sai phạm tại Trung tâm Giáo dục NN-GDTX quận Hai Bà Trưng - Hình 1

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó giám đốc phụ trách khối Giáo dục thường xuyên của Trung tâm

Các mức đóng tiền phạt cũng khá đa dạng, từ 20.000 - 60.000 đồng. Mức phạt sẽ được tăng lên nếu tái phạm, thậm chí có học sinh đã phải đóng tiền phạt lên đến 200.000 đồng. Các mức phạt này, nhà trường gọi là "phạt hành chính" (!)

Không chỉ sai phạm trong việc thu phạt học sinh, mà Trung tâm còn sai phạm trong việc thu - chi không rõ ràng, có nhiều khuất tất, như: Quỹ Đoàn 300.000 đồng/đoàn viên; Quỹ ôn thi tốt nghiệp 2000.000 đồng/học sinh; Quỹ hoạt động ngoại khóa 400.000 đồng/học sinh; Quỹ phụ huynh 800.000 đồng/học sinh; Quỹ khuyến học 200.000 đồng/học sinh…(đều không có hoặc vượt quá so với quy định của Nhà nước).

Hà Nội: Hàng loạt sai phạm tại Trung tâm Giáo dục NN-GDTX quận Hai Bà Trưng - Hình 2

Biên bản thu phạt và số điểm danh học sinh của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên quận Hai Bà Trưng

Tại trung tâm, các khu vực dành cho giáo viên cũng có những biển cấm học sinh vào, kèm theo đó là “giá” phạt ngay bên cạnh. Thậm chí, khu vực WC dành cho giáo viên cũng có biển cấm học sinh vào và kèm theo đó là mức phạt 100.000 đồng.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn bị tố cáo bao che học sinh nghỉ học. Qua theo dõi sổ điểm danh của nhà trường năm học 2016 - 2017 – 2018 mà bạn đọc cung cấp thì thấy rõ có một số học sinh nghỉ học quá nhiều, quá số buổi quy định, cán bộ nhà trường biết rõ nhưng cố tình làm ngơ, vẫn cho học sinh học và thi bình thường, thậm chí còn xét lên lớp.

Để làm rõ thông tin phản ánh, phóng viên đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó giám đốc phụ trách khối Giáo dục thường xuyên của trung tâm.

Trong buổi làm việc, bà Tuyết xác nhận, việc áp dụng hình thức phạt tiền khi các em học sinh của trung tâm mắc lỗi là có và nhà trường cũng vẫn đang áp dụng.

Bà Tuyết đã nói rất nhiều về hoàn cảnh của các em học sinh học tại trung tâm. Trong đó, theo bà Tuyết, rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, ở tỉnh xa, phải đi ở trọ, đi làm để học. Có những em là trẻ mồ côi, có em thiếu bố hoặc thiếu mẹ phải sống cùng ông bà...

Bà Tuyết cho rằng việc phạt học sinh như vậy là tốt, phạt như vậy, các em mới biết sợ và các vị phụ huynh cũng đồng tình với việc làm đó.

“Việc phạt tiền đã được áp dụng từ năm 2012, trước đây tôi không biết là tiền phạt được dùng vào việc gì, nhưng từ năm học 2017 – 2018 thì tiền nộp phạt của học sinh đã được đưa vào các quỹ khuyến học để khen thưởng cho các cháu có thành tích học tập vào cuối năm”, bà Tuyết nói.

Còn tiền phạt của những năm trước sử dụng như thế nào, sử dụng vào việc gì thì bà Tuyết không được biết.

Khi phóng viên hỏi việc thu phạt này có đúng quy định của ngành giáo dục và đào tạo hay không, thì bà Tuyết không trả lời, mà chỉ cho biết việc thu phạt này là bà cứ làm theo từ những năm trước và được phụ huynh đồng ý...

“Tôi thấy thu phạt như vậy cũng tốt. Tiền phạt được cho vào quỹ để chi cho những em học giỏi, biết cố gắng”, bà Tuyết phân bua.

Khi được hỏi về việc học sinh bỏ học nhiều nhưng vẫn được cho thi và lên lớp, bà Tuyết cho biết, đặc thù là học sinh khối giáo dục thường xuyên nên các em cũng bướng bỉnh hơn học sinh của các trường khác, việc nghỉ học thường xuyên của các em là có. Với những em nghỉ nhiều, nhà trường vẫn tổ chức ôn bù kiến thức.

“Nhà trường vẫn tổ chức ôn bù đủ kiến thức cho học sinh, dù số buổi nghỉ của các em có khác nhau, thậm chí có những em nghỉ đến 44 buổi, nhà trường vẫn bù được”, bà Tuyết cho biết.

Hà Trần